Khi bắt đầu với công việc giảng dạy, tìm được một bến đỗ lý tưởng cho mình là điều mà thầy cô nào cũng ao ước. Ngày trước khi mình mới bắt đầu đi dạy, mình cũng chưa có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết nên lúc đó nơi nào có cho cơ hội phỏng vấn thì mình cứ rải CV. Việc làm ở vài nơi như vậy giúp cho mình có nhiều những kinh nghiệm trong việc lựa chọn nơi làm việc, nhưng đồng thời cũng khiến cho trải nghiệm đi dạy của mình rất là chán nản và mệt mỏi vì mình không đi dạy đúng nơi phù hợp với bản thân mình.
Và hôm nay, mình muốn chia sẻ với các bạn những tiêu chí mà mình đã đúc kết lại được để xem trung tâm đó sẽ phù hợp với mình về lâu dài hay không?
Contents
1. Tiêu chí để chọn trung tâm tiếng Anh: Tiếng tăm và độ tin cậy của trung tâm
Điều đầu tiên mình cần phải cân nhắc đó chính là tiếng tăm của trung tâm mà mình chọn nộp CV. Một trung tâm có tiếng thì sẽ có khả năng đảm bảo được cho các bạn môi trường làm việc ổn định, lương bổng ổn định, nguồn học viên ổn định nên các bạn sẽ không phải lo việc thiếu lớp dạy.
Vậy làm thế nào để kiểm tra độ tin cậy của trung tâm? Mình thường sẽ lên trang web của họ hoặc lên Facebook xem page của họ có hoạt động thường xuyên hay không. Hoặc là lên các group tìm việc làm, hoặc các group Facebook giới thiệu về trung tâm tiếng Anh xem họ review nơi đó như thế nào. Đúng là 9 người sẽ 10 ý đó, nhưng nếu đa phần là các review tốt thì không ngại gì mà không thử apply. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều trung tâm có tiếng, độ phủ sóng của cao nhưng cuối cùng lại bị phát hiện là lừa đảo hoặc môi trường làm việc không tốt. Nhưng Mr. Vũ vẫn tin chắc rằng dù sao khả năng các trung tâm có tiếng tăm như vậy vẫn tạo ra một môi trường phát triển tốt cho các bạn, còn nếu chuyện xui rủi xảy ra thì mình đâu có kiểm soát được.
Xem thêm >> Làm Sao Để Dạy Ngữ Pháp Thú Vị Hơn?
2. Số lượng và đối tượng học viên
Mr. Vũ cảm thấy mình chỉ phù hợp với size lớp vừa và nhỏ từ 10 – 20 học viên một lớp là đủ vì nhiều quá sẽ rất khó để quản lớp và việc dạy của mình không hiệu quả, do mình không được tiếp xúc nhiều với từng bạn.
Mình đã từng dạy ở Đại học và size lớp lúc đó của mình là 50 – 60 bạn. Tuy là mình có thể dạy được, quản lý lớp được nhưng mình lại không thấy được sự hiệu quả mà mình mong muốn vì có quá nhiều học viên mà thời gian mình lại có hạn nên không thể giúp được cho nhiều bạn. Chưa kể mình còn dạy đâu đó từ 4 – 5 lớp, tương đương tổng cộng phải quản lý hơn 200 bạn, nên cảm thấy kết quả không như mình mong muốn. Do đó khi dạy ở trung tâm với số lượng học viên vừa phải, mình tương tác hỏi thăm và động viên các bạn kỹ càng hơn thì việc dạy của mình thoải mái và thích thú hơn nhiều.
Bên cạnh đó, các bạn cũng nên tìm hiểu xem học viên của trung tâm thường là đối tượng nào, teens hay sinh viên hay người lớn, level của họ thường ở mức nào? Pre A1, A1, A2 hay B1? Vì mỗi độ tuổi và level lại phải có cách dạy khác nhau, mà chưa chắc phù hợp với mình, nên các bạn nhớ cân nhắc kỹ cả điều này.
3. Môi trường làm việc
Mr. Vũ rất sợ đi làm ở những nơi mà không có sự gắn kết và giao tiếp giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp, hay giữa đồng nghiệp với cấp trên. Mình luôn nhắc các bạn học viên của mình trong lớp TESOL rằng sau này khi đi làm, đừng chọn chỗ làm việc vì tiền, mà hãy chọn nơi đó vì có một người sếp giỏi và một môi trường làm việc tốt. Có như vậy mình mới có cơ hội để học hỏi những điều mới và phát triển bản thân cũng như nghề nghiệp của mình.
Mình đã từng trải qua những khoảng thời gian mà chỉ có đi vào dạy thôi rồi về, khi đó việc đi làm khá là nản. Mình đến lớp vì học viên nhiều hơn là một sự hứng khởi trong công việc vì cảm thấy mình không có ai để giúp đỡ và mình mãi dậm chân tại chỗ. Cứ như vậy và 1 năm đó mình không học hỏi được nhiều điều mới, và chỉ là một vài điểm mình tự rút ra được trong quá trình mình dạy và tự suy ngẫm thôi. Nhưng sau này khi dạy ở trung tâm IELTS Power Up, mình làm việc với nhiều đồng nghiệp giỏi, các anh chị ở phòng ban khác cũng giỏi cùng với các người sếp giỏi, mình thấy mình cũng học hỏi được rất nhiều về phương pháp giảng dạy và tốt lên hẳn so với thời gian đầu.
Điều dễ thấy nhất ở một nơi có môi trường làm việc tốt là các bạn sẽ thấy sếp không ngần ngại nói chuyện, chia sẻ và feedback với bạn, và đồng nghiệp cũng vậy, họ không ngần ngại chia sẻ, feedback và chỉ ra cho bạn những chỗ nào cần phải khắc phục. Có như vậy thì mình mới có cơ hội mà khắc phục lỗi sai và phát huy điểm mạnh của mình nhiều hơn.
Xem thêm >> Cách Soạn Lesson Plan Dựa Vào Coursebook
4. Địa điểm
Đi làm xa rất là cực, đặc biệt là khi hành trình đi và về mất hết đâu đó 1 tiếng rưỡi hay 2 tiếng là oải lắm, chưa kể còn mưa gió, ngập lụt, nắng nôi nữa. Về lâu về dài sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của mình vì khoảng thời gian đi trên đường gần 2 tiếng như vậy, mình có thể làm rất nhiều những việc khác như là đọc sách, nghiên cứu tài liệu, tập thể dục, hay vô vàn những thứ khác để phát triển bản thân và sự nghiệp. Cho nên, Mr. Vũ thấy rằng mình chỉ nên mất đâu đó là 1 tiếng đổ lại để dành cho việc đi và về từ nhà đến chỗ dạy thôi.
Bên cạnh đó thì địa điểm mình dạy có gần những hàng quán để ăn uống hay không, điều này vô cùng thiết thực vì cuộc sống của giáo viên vô cùng bận bịu. Ngoài giờ lên lớp mình còn phải chấm bài, soạn giáo án cho bữa sau, và hỗ trợ học viên, nên khả năng cao là sẽ không thể chuẩn bị trước đồ ăn ở nhà. Vậy chỉ có thể ăn uống đâu đó gần chỗ mình làm thôi để còn kịp giờ dạy. Nên nếu gần trung tâm không có gì để ăn, không có hàng quán gì cả thì cũng khá là bất tiện.
Tóm lại, việc chọn cho mình được một chỗ dạy tốt sẽ rất là gian nan, và có khi các bạn phải vấp ngã và sai lầm vài lần thì mới tìm được bến đỗ lý tưởng cho mình. Ngoài những tiêu chí trên, chắc hẳn mỗi bạn sẽ lại rút ra được cho mình những kinh nghiệm thực tiễn khác, nếu các bạn có ý kiến nào nữa, hãy comment phía bên dưới cho Mr. Vũ biết thêm nha. Chúc các thầy cô luôn dạy tốt.