Đã bao giờ bạn gặp tình trạng mỗi giờ lên lớp dạy tiếng Anh cho kids là học trò đòi chơi Game làm bạn cũng đau đầu, nát óc để kiếm cái này, lục tìm cái kia để ra Game cho tụi nhỏ chưa?
Đã bao giờ bạn phải cố gắng dẫn dụ học trò bằng cách nói Game này hay chơi Game kia để tụi nhỏ chịu tập trung hơn và tham gia bài học của bạn nhiệt tình hơn chưa?
Đã bao giờ bạn rơi vào tình huống éo le, dở khóc dở cười khi nghe Phụ huynh phản hồi là dạy tiếng Anh cho kids mà mấy bạn trẻ về nhà chỉ khoe là hôm nay con chơi Game này, Game kia mà chớ hề nhắc đến chuyện học này, học kia chưa?
… mình trước đây khi đi dạy tiếng Anh cho Trẻ Em hay vướng phải lắm và mình nghĩ chắc cũng sẽ không ít bạn gặp trường hợp giống như mình, đúng không?
Vậy hiện tại mình còn gặp vấn đề đó nữa không? – Những feedback mình nhận được dường như đã có sự chuyển hướng, ví dụ như: lớp học Thầy Minh Sơn không có Game nhưng mà vui lắm. Thầy Minh Sơn dạy học nhưng kiểu như vừa học vừa chơi nên không quá là áp lực, mà lại còn hiệu quả. Lớp học thầy Minh Sơn cho các bạn nhỏ được hoạt động liên tục … và dường như chữ Game đã không còn xuất hiện trong những lời nhận xét cuối khóa như vậy.
Điều gì đã tạo nên sự thay đổi đó???
… bằng cách thay đổi cách gọi tên, bạn đã hoàn toàn đảo ngược tình thế và trở thành ‘người làm chủ cuộc chơi’ trong những giờ học của mình rồi đó.
Theo như những điều mình được học từ Tâm lý não bộ, không chỉ Trẻ em mà cả người lớn khi nghe đến Game thì mặc định sẽ có những yếu tố: vui, chơi (đồng nghĩa với không học), thắng – thua, tranh đấu, khen – phạt … Điều này đồng nghĩa với việc khi bạn giới thiệu một hoạt động bài học với cụm lệnh ‘Do you want to play game?’, ‘Let’s play game!’ … thì hiển nhiên yếu tố bài học bạn muốn đẩy vào trong ‘trò chơi’ đó bị mất dần giá trị hay nói đúng hơn là tính khắc sâu kiến thức không được phát huy hiệu quả. Còn nếu bạn nói ‘It’s time to practice!’ hoặc ‘Now everyone, finish task 1, 2, 3’ … thì học viên sẽ thấy ‘oải’ và không có khí thế học tập. Khi đó Affective Filter (màng lọc cảm xúc – Dr. Stephen Krashen) của người học sẽ bị đóng lại đôi phần và rõ ràng việc khắc sâu kiến thức bị mang tính ép buộc, không thoải mái, kết quả vẫn không thể khả quan hơn.
Vậy chúng mình nên làm gì???
… cũng là phần kiến thức đó, chúng mình đưa vào một dạng Game thật bắt mắt, thu hút được học viên, có âm thanh sống động, giúp kích thích tư duy não bộ … để làm sao phần kiến thức bạn mong muốn người học luyện tập được chuyên chở đủ đầy trong hoạt động bạn mong muốn. Nhưng không gọi là Game, mà thay vào đó chúng mình gọi là ‘I have a fun activity/task.’ Hay ‘happy race’, ‘wonderful work’ … thì khi ấy học viên sẽ đang trong trạng thái ‘học’ nhưng lại được ‘chơi’. Hình thức ‘Học thông qua Chơi’ cũng khởi sinh từ chính yếu tố tâm lý như thế này. Mức độ tranh đua vừa đủ giúp học viên động não hơn, làm việc đồng đội giúp khơi dậy tính tự giác cao hơn, hoạt động sôi nổi giúp tiếp thu nhanh hơn, trực quan kiến thức giúp ghi nhớ tốt hơn … tất cả những giá trị đó đều chỉ đơn giản khởi đầu bằng việc chúng mình thay đổi cách gọi tên, tổ chức hoạt động bài học.
Đơn giản nhưng hiệu quả vô cùng. Mình đã áp dụng hơn 3 năm nay và kết quả hoàn toàn mỹ mãn. Bằng chứng là khi có Giáo viên dạy thay lớp mình sẽ thắc mắc kiểu như sao lớp không đòi chơi game, sao cho chơi game mà thấy tụi nhỏ cũng chẳng mấy gì hào hứng … còn câu trả lời của mấy bạn nhỏ lớp mình là: bình thường lớp mình học có cần game gì đâu mà học vui quá trời, game thì phải vui hơn mới gọi là game chứ, game mà bắt học thì đâu còn là game nữa … bạn thấy không, bọn trẻ bây giờ cũng ‘ghê gớm’ lắm nha! Hihi Bạn thử đi, mình tin chắc rằng bạn cũng sẽ nhận được những feedback tuyệt vời giống như mình nè! Nếu thử và có kết quả, chia sẻ lại để chúng mình cùng vui nha! Chúc bạn thành công trong trải nghiệm ‘thay tên đổi kết quả’ nha!
P/s: Tâm lý và giáo dục sẽ luôn là 2 khía cạnh đi kèm hỗ tương cho nhau rất hay đấy, nếu có thời gian chúng mình cùng đọc thêm sách về tâm lý trẻ để biết thêm nhiều điều thú vị, để lớp học của mấy em nhỏ nhà mình sẽ thật ‘Hạnh Phúc’ bạn nha!
Chia sẻ từ thầy Minh Sơn – TESOL Trainer tại TESOL Simple Education