Bài viết này chia sẻ những kinh nghiệm dạy học cho trẻ tự kỷ, thụ động, chậm phát triển. Minh Sơn lấy cảm hứng viết từ câu hỏi của một bạn học viên tham dự Toạ đàm ‘Hạnh Phúc nghề Giáo viên’ và Minh Sơn sẽ xin phép được chia sẻ lại ở góc độ cá nhân và trải nghiệm của bản thân, hy vọng sẽ ít nhiều điều hữu ích giúp bạn nha!!!
Có nhiều cách gọi như trẻ tăng động, trẻ chậm phát triển, trẻ trầm cảm, trẻ thụ động … rồi cuối cùng chúng ta quy chung lại là trẻ không bình thường, trẻ hoà nhập … hay một cụm từ là ‘đặc biệt’. Khi đã gọi là trẻ ‘đặc biệt’ thì đương nhiên mình cũng phải dùng cách dạy ‘đặc biệt’ cho đứa trẻ ấy, phải không???
Tuy nhiên sự đặc biệt mà nhiều giáo viên đang sử dụng để ‘đối phó’ với mấy bạn trò ‘thú vị’ này lại là sự ‘nương theo’ và ‘nuông chiều’ … cách này không sai nhưng cũng chưa hẳn đã đúng, vì nhiều trường hợp mình nhận thấy sự nương theo ấy chỉ biến cho đứa trẻ càng ‘đặc biệt’ hơn theo một cách phiến diện chứ không hề góp phần tạo nên một sự điều chỉnh hợp lý cho đứa bé ấy! Vậy phải xử lý như thế nào???
Mình được nghe lời giảng trong kinh Phật có chỉ ra 4 nhóm tu sĩ sẽ có 4 cách tôi rèn khác nhau và mình nhận thấy điều này hoàn toàn đúng với học trò trong mọi thời đại. 4 nhóm đối tượng với 4 cách giáo dưỡng khác nhau đó là:
– Dùng lời nói ôn hoà, nhỏ nhẹ, dịu dàng
– Dùng đòn roi, la mắng, chỉ trích
– Kết hợp ‘vừa đấm vừa xoa’, lúc dịu dàng, lúc dữ dội
– ‘Từ chối’ dạy, nếu ở lớp Tu sĩ Phật giáo thì nghĩa là vị này sẽ không được gia nhập vào Tăng đoàn … nhưng thực tế thì khó có thể xảy ra trường hợp này tại các cơ sở giáo dục, do đó mình hay dùng ‘chiêu’ quăng ‘cục nước đá’ để tự tan, tự chảy, tự bốc hơi.
Rõ ràng chúng mình là giáo viên, không phải một bác sĩ hay một chuyên gia tâm lý để có thể ‘chẩn đoán’ chính xác cách thức nào sẽ phù hợp. Do vậy, mình nên ‘thử’, thử áp dụng từng cách thức để rà đài xem tần số nào sẽ bắt được sóng rồi từ đó mình áp dụng.
Nhưng có một sự thật hơi đau lòng một chút khi xã hội hiện đại bao nhiêu thì dường như cách giáo dục lại có xu hướng nuông chiều hơn và không còn quan tâm đến giá trị cốt lõi của việc hướng một đứa học trò thành ‘nhân’ trước khi thành ‘danh’. Khi những bậc làm cha, làm mẹ thương con nhưng chưa thực sự tỉnh thức, dẫn đến việc đứa trẻ bám víu vào sự cưng nựng đó để lớn lên một cách dựa dẫm, thiếu tính trách nhiệm và tự lập. Chính áp lực này tạo thành gánh nặng cho giáo dục và đặc biệt là giáo viên đứng lớp. Họ hoàn toàn phải bảo vệ ‘chén cơm’ mà nhắm mắt lơ đi những đứa trẻ đáng ra phải được giáo dục theo một cách không thể nhẹ nhàng và tình cảm … một dấu chấm lửng cho thời thế vậy!!!
Quay lại với những trẻ ‘đặc biệt’ thì sao, mình nhận thấy điều tương tự. Có trẻ mình chỉ cần vuốt vỗ nhẹ giọng là em sẽ nghe. Có trẻ mình phải lên giọng răn đe thì em mới chịu ngồi yên. Có trẻ mình sẽ khen nhưng sẽ ‘chê’ những khi cần điều chỉnh … và mình nhận thấy ở các em có chung một điểm là thích tạo sự chú ý và quan trọng là tạo sự chú ý để được ‘thương’, được quan tâm nhiều hơn.
Do vậy, có thể phân thành 2 nhóm đối tượng. Nếu trẻ ‘đặc biệt’ ngoan, mình sẽ tăng khen và khuyến khích trẻ làm việc. Nếu trẻ ‘đặc biệt’ nghịch, mình sẽ ‘quăng’ cho ‘cục nước đá’ mà đôi khi vờ như ‘người vô hình’ … thì sau đôi ba lần, trẻ bắt đầu chuyển hướng thì là lúc mình xúc tác bằng lời trách hờn và vị tha! Tựu chung vẫn là dạy học với trọn vẹn yêu thương. Sự đặc biệt dành cho trẻ đặc biệt là yêu thương nhiều hơn theo một cách thật đặc biệt!!!
Mách nhỏ bạn nghe nè, trẻ tự kỷ, thụ động, chậm phát triển có những khả năng thiên phú rất thú vị đó. Bạn chịu khó quan sát, để ý một chút bạn sẽ phát hiện ra … điều này vui hơn nữa nè, trẻ ‘đặc biệt’ thường phát âm tiếng Anh rất hay, ghi nhớ hình ảnh và mặt chữ rất nhạy, thậm chí có cả những bạn cực kỳ giỏi môn Tiếng Anh luôn đấy nha!!! Do vậy, đừng quá áp lực khi vào lớp gặp trẻ có chút ‘đặc biệt’ bạn nha. Thử mở lòng để thương, bạn sẽ thấy nghề chúng mình cũng ‘đặc biệt’ lắm đó nha!!!
P/s: Còn nhiều điều thú vị và nhiều câu chuyện về những bạn trò ‘đặc biệt’ mà mình từng may mắn được dạy các em ấy lắm đấy! Nếu bạn muốn nghe, hôm sau mình kể tiếp ha! Thương!
‘Happy Teachers – Happy Students’