Bài viết này sẽ chia sẻ với các thầy cô giáo những cách để dạy tiếng Anh cho lớp Kids nhiều hiệu quả, tạo nhiều sự hứng thú trong giờ học.
Mục đích chính của nội dung:
- Để bạn hiểu thêm lý do tại sao trẻ không không chịu nghe lời hoặc không chịu hợp tác cùng thầy cô.
- Để cùng giải quyết những vấn đề mà các thầy cô thường gặp phải trong quá trình quản lý lớp học .
Trước tiên, chúng ta hãy cùng tìm hiểu căn nguyên của vấn đề, sau đó cùng hướng đến cách giải quyết.
Tại sao học trò lại mất tập trung?
- Không hiểu bài.
- Không hiểu tại sao phải tham gia những hoạt động trên lớp này.
- Hoạt động lớp học quá chán.
- Hoạt động quá dễ hay quá khó.
- Học trò đang bị mệt.
- Bạn không hiểu mình đang làm gì.
- Bạn quên mang theo giáo cụ cần thiết cho giờ học.
- Trang thiết bị không hoạt động.
- Bạn không thể thu hút sự chú ý với học trò.
Hướng trợ giúp học sinh
1. Không hiểu bài
Trong quá trình dạy học, các thầy cô nên lồng ghép các ví dụ để bài giảng thêm sinh động và dễ liên tưởng hơn.
Ngoài ra, hình ảnh minh họa cũng là phương pháp hiệu quả giúp học trò nhớ bài nhanh hơn. Các thầy cô có thể chèn thêm hình ảnh vào slide bài giảng để phần trình bày thêm sinh động, trực quan. Thông thường hình ảnh nhiều màu sắc sẽ dễ ghi nhớ hơn các con chữ.
2. Không hiểu tại sao phải làm điều này
Hãy giúp học viên trở thành một người học chủ động: cho các em biết tại sao phải làm những điều này. “Chúng ta cùng chơi trò chơi này để nhớ từ vựng đã học ngày hôm nay”. Sau đó, nhận phản hồi từ học viên sau khi tham gia hoạt động, để học trò không xem rằng đây là hoạt động đơn lẻ, giết thời gian. “Các con có thích trò chơinày hay không?” “Bây giờ con đã nhớ được bao nhiêu từ?”. Đó chính là những điều cần làm để học trò hiểu được mục đích của những hoạt động này. Các hoạt động nên có sự kết nối với nhau và có sự liền mạch từ bài học này sang bài học khác.
3. Hoạt động lớp học quá chán
Trước tiên, hãy suy nghĩ: Nếu đây là lần đầu tiên bạn thực hiện hoạt động này, việc cần làm là nghĩ xem chính xác bạn muốn dạy học trò điều gì và liệu rằng đây có phải là hoạt động bạn thích làm hay không. Vài phút suy nghĩ những điều này trước khi bắt tay vào viết lesson plan sẽ giúp bạn nhìn thấy được những khoảnh khắc buồn tẻ tiềm ẩn.
Một vài trường hợp, các thầy cũng có thể bất ngờ vì những điều mình cho rằng chán ngấy vẫn nhận được nhiều sự ủng hộ của học trò – nếu đúng như vậy, hãy đặt một ngôi sao cạnh bên để ghi chú trong lesson plan và áp dụng tiếp activity này vào lớp khác của mình. Việc các thầy cô cân nhắc đến tỷ lệ thành công của một hoạt động trước khi dạy học sẽ giúp hình dung rõ được với mọi vấn đề phát sinh.
Nguồn ảnh: Unsplash.com
4. Hoạt động quá dễ hay quá khó
Hãy chia học trò thành nhóm: Vài học trò có thể hoàn thành nhiệm vụ đưa ra rất nhanh và sau đó bắt đầu làm gián đoạn các bạn còn lại. Kiểm tra ngay rằng em ấy có hiểu hết được nội dung yêu cầu đưa ra hay không. Trong nhiều trường hợp, các em hiểu sai và chỉ làm đúng được một nửa yêu cầu.
Đối với những học trò hoàn thành sớm vì các em thấy activity giáo viên đưa ra quá dễ dàng thì thầy cô cần nhiều thử thách để giữ được sự hứng thú. Thầy cô có thể làm cho những level câu hỏi trở nên đa dạng hơn. Thay vì trước đây chỉ có 4 level thì có thể nâng lên mức 8 level để yêu cầu học trò thực hiện. Điều này sẽ giúp những bạn thông minh, lanh lẹ hơn vẫn cảm nhận được sự hứng thú và những bạn chậm hơn vẫn hòa nhập và tham gia được activity.
5. Học trò đang bị mệt
Các thầy cô nên lưu ý thêm về giờ giấc trong ngày. Giờ học của bạn là rất sớm hay rất muộn? Có thể học trò vẫn chưa tỉnh ngủ hoặc dễ bị buồn ngủ. Có thể các em sẽ cảm thấy đói bụng khi học vào giờ trưa hoặc no bụng sau khi vừa ăn trưa. Khi nhận thức được những điều này chúng ta có thể lên được nội dung các hoạt động linh hoạt và đa dạng hơn để thích ứng với những yếu tố bên ngoài này. Các em nhỏ có thể muốn đi vệ sinh nhưng không dám hỏi giáo viên? Nếu cho phép, thầy cô cũng nên đảm bảo rằng các em không la cà quá lâu vì có thể lỡ mất một phần kiến thức quan trọng, gây xao nhãng và ảnh hưởng những bạn khác trong giờ học.
Xem thêm >> Bonding, Loving And Discipline – Kết Nối, Yêu Thương Và Kỷ Luật Trong Lớp Học
6. Bạn không hiểu mình đang làm gì
Tạo quy trình cụ thể: Việc xây mọi thứ theo quy trình cụ thể trong mỗi giờ dạy thực sự có thể tạo cho học trò cảm giác vững chãi và các em cũng biết được giáo viên mong đợi gì ở chúng. Các quy trình cụ thể có thể được ứng dụng ở cả bốn kỹ năng Nghe – Nói – Đọc – Viết tiếng Anh. Nếu bạn đã biết rõ mình cần phải làm gì, ngay sau khi vào lớp, bạn liền chuẩn bị tài liệu và cho cả lớp hát một bài hát warm-up hay vào cuối giờ học bạn cho các bé ngồi lại thành một vòng tròn và hát một bài hát tạm biệt, bạn sẽ trông tự tin hơn hẳn. Khi tạo được sẵn quy trình mỗi giờ học của bạn sẽ trở nên hấp dẫn hơn vì bạn biết bạn đang làm gì và học trò cũng vậy.
7. Bạn quên mang theo giáo cụ cần thiết cho giờ học
Chuẩn bị: Hãy viết sẵn danh sách những giáo cụ bạn cần dùng vào lesson plan và đánh dấu từng thứ khi cất vào cặp. Trước giờ dạy, hãy lấy sẵn giáo cụ trong cặp ra và đặt mọi thứ lên bàn theo thứ tự mình cần. Nếu bạn phải mất 5 phút chỉ để tìm kiếm một mẩu giấy mà không thể làm tiếp được hoạt động tiếp theo, học trò sẽ lập tức mất tập trung.
8. Trang thiết bị không hoạt động
Chuẩn bị trang thiết bị: Trước khi vào giờ học, các thầy cô nên kiểm tra xem các thiết bị trong giờ học có hoạt động ổn định hay không. Cài sẵn bài hát hoặc bài nghe để khi vào giờ học không phải tốn thời gian để tìm kiếm. Học trò sẽ làm loạn nếu thầy cô phải loay hoay với đống máy móc.
9. Bạn không thể thu hút sự chú ý với học trò
Hãy thống nhất với nhau tín hiệu để im lặng. Nếu thầy cô phải hò hét để tạo sự chú ý, học trò có thể sẽ ồn hơn. Với những bé còn nhỏ tuổi, thầy cô có thể đơn giản là đặt ngón tay trỏ trước miệng và chờ đợi. Bạn có thể tiếp tục bài giảng khi không còn tiếng động nào. Học trò sẽ từ từ bắt đầu quan sát và cố gắng nghe những gì bạn nói.
Bài viết được dịch và biên tập từ https://www.teachingenglish.org.uk/
https://www.teachingenglish.org.uk/article/maintaining-concentration-young-learners