Giáo Trình hay Giáo Viên? Đâu mới là yếu tố quan trọng?

Khi tham gia vào nhiều hội nhóm dành cho Giáo viên Mầm non & Tiểu học, mình hay thấy những dòng tin tìm nguồn chia sẻ như: ‘Có ai biết giáo trình nào dạy giao tiếp hay cho học sinh lớp 1 không?’ hoặc ‘Thầy cô nào có chương trình dạy tiếng Anh trẻ em giúp phát triển năng lực không?’ … và nhiều lắm những tin nhắn đại loại như thế. Dường như mình chưa thấy có phản hồi nào thiết thực hơn những tin kéo theo như ‘Mình cũng đang cần.’ hay ‘Cho mình xin ké.’ …

Thật lòng mà nói, khi nghe đến đây mình thấy có gì đó hơi chạnh lòng một chút. Cái thoáng suy nghĩ bâng quơ trong đầu mình là ‘Giáo trình nào dạy ngôn ngữ mà không nhằm mục đích sử dụng?’ Và nếu như có một giáo trình hiển thị rõ chữ Giao Tiếp ở trang bìa thì chắc khi sẽ còn ‘hot’ hơn cả những cuốn Best Sellers ngoài tiệm sách rồi cũng nên ấy nhỉ?’

Ngay cả ngôn ngữ Tiếng Việt, từ những cuốn sách chính thống cho Trẻ em đến những cuốn mở rộng hay nâng cao … cũng có cuốn sách nào dùng để Giáo viên Tiểu học dạy ‘môn’ Giao Tiếp đâu, nếu có đi chăng nữa thì sẽ luôn đính kèm cụm từ ‘kỹ năng’ hay những thuật từ đại ý tương tự như thế … nói đến đây chắc hẳn sẽ có nhiều quan điểm cho rằng sự so sánh này hoàn toàn chưa hợp lý.

Tuy vậy, ở góc độ của mình, Giao Tiếp được hình thành thông qua quá trình tiếp thu những gốc rễ nền tảng là phần Luyện từ và câu trong sách Tiếng Việt, cách tạo ra tương tác trong những bối cảnh đời sống hằng ngày, có người hỏi và có người trả lời … mới hình thành nên Giao Tiếp. Vậy câu hỏi đặt ra là ‘Bản chất của giáo trình dạy Giao tiếp tiếng Anh cho Trẻ Em là gì?’ và liệu rằng một Giáo viên tiếng Anh trẻ em có thật sự hiểu đúng về định nghĩa của Giao Tiếp hay chưa? … đó mới là mấu chốt của vấn đề mà bản thân mình luôn tự hỏi và có thể xem là một yêu cầu cho các học viên của mình tự vấn.

Mình tin chắc rằng, nếu bản thân mỗi người mở lòng để nhìn nhận đủ rộng và đủ sâu thì hoàn toàn có thể tự trả lời được giữa Giáo Trình và Giáo Viên đâu mới thật sự là yếu tố quan trọng khi dạy tiếng Anh cho trẻ. Giữa hàng tá những bộ sách được cải biên đủ các thể loại màu sắc, hình ảnh … thì nếu có dịp ngồi lật mở nhiều cuốn, ắt hẳn bạn sẽ thấy chúng đều xoay quanh các chủ đề thông dụng trong đời sống hằng ngày nhưng được trình bày theo những thể thức khác nhau để thu hút được người học … vậy Giáo Trình nào phù hợp với đối tượng nào thì hẳn nhiên rất nhiều cái ‘đầu’ đã rót chất xám vào đó để hình thành nên và cũng được thông qua bởi ít nhất vài vòng kiểm định, kiểm duyệt. Vậy việc thiết yếu nhất quay lại ở vai trò của người Giáo viên. Mỗi chúng ta nên – cần – phải làm gì để biến những trang sách thành những bài học mà học trò của chúng mình có thể ‘sử dụng’ được thay vì ‘lắp ráp’ một cách máy móc không chắc chắn và không đồng nhất để những thế hệ tiếp nối lại mắc nối những đoạn xích không phù hợp???

Một quy tắc 3H mình học được để biến những trang sách thành chút ‘vốn liếng’ cho học trò lận lưng mà xài đó là: Head – Heart – Hands

Head: Làm thế nào để kiến thức lõi của bài học được đưa vào đầu người học một cách hiệu quả nhất, đơn giản nhất, tối ưu nhất, cô đọng nhất … để đảm bảo người học hiểu được thông tin hay kiến thức mà mình muốn truyền đạt thì lúc đó bước đầu coi như đã thành công.

Heart: Cũng là nội dung đó, cũng là bài giảng đó nhưng mỗi phiên bản Giáo viên sẽ có một cách truyền đạt khác nhau để từ cái hiểu đó, người học cảm nhận được và thích nó thì đây mới là tính nghệ thuật để ‘chạm’ đến trái tim của người học. Khi người học rung cảm hay đơn giản là thích bài giảng của mình nghĩa là lúc bạn đang chuyển thông tin trở thành thông điệp.

Hands: Hiển nhiên bước cuối cùng là khi người học sử dụng được kiến thức đó. Rõ ràng người học cần phải tiếp nhận và thật sự hiểu thì mới có thể làm tốt được. Đơn giản như việc chúng mình tự nguyện học kết quả sẽ khác so với ép buộc học. Vì tự nguyện là cả Head & Heart bạn mở rộng để đón nhận. Còn ép buộc thì có thể Head phải mở cửa nhưng Heart đã gài chặt then cài rồi. Như thế thì tính ứng dụng đâu còn là điều thiết thực có thể cho người học được làm nữa, phải không?

Vậy nên, thay vì chú trọng hay lao đao giữa những lựa chọn hoặc tìm kiếm Giáo Trình nào là hay nhất, là phù hợp nhất. Hãy quay về phát huy vai trò của một người Giáo Viên là mình có thể làm được gì với bộ Giáo Trình đó, phân tích ra được những điểm hay mà khai thác, đồng thời thấy điểm còn đang khuyết mà chọn cách lấp đầy hợp lý nhất. Nhưng đừng quên mọi sáng tạo của nghệ thuật đều phải dựa trên nền tảng kiên cố mang tính khoa học của các phương pháp giảng dạy.

P/s: Dạy tiếng Anh Trẻ Em cần lắm vai trò của một người Giáo Viên hơn nội dung một cuốn Giáo Trình!

Chia sẻ từ thầy Minh Sơn – TESOL Trainer tại TESOL – Simple Education

Là trung tâm chuyên đào tạo Giáo viên Tiếng Anh Chuyên nghiệp và Cấp chứng chỉ dạy tiếng Anh TESOL tại Việt Nam.

Với khóa học TESOL Premium dành cho những học viên có mong muốn cải thiện khả năng giảng dạy và tiếp xúc với những kiến thức, phương pháp dạy học tiên tiến và hiệu quả. Không chỉ chú trọng vào chất lượng giảng dạy và kết quả thực sự.

Chúng tôi còn đặt tâm vào sự phát triển về cảm xúc lẫn tinh thần của học viên. Để mỗi học viên tốt nghiệp sẽ trở thành một giáo viên Tiếng Anh có TÂM – TẦM – TÀI.

Chúng tôi hi vọng sẽ đóng góp cho sự phát triển tích cực của bạn – một giáo viên Tiếng Anh chuyên nghiệp thực thụ nói riêng cũng như việc dạy và học Tiếng Anh ở Việt Nam nói chung.