Rất nhiều giáo viên cảm thấy rằng một buổi học tiếng Anh trên lớp đôi khi vẫn không đủ để học sinh hiểu bài nhanh và lâu hơn. Do đó, một trong những khó khăn muôn thuở của giáo viên lúc nào cũng là làm sao cho các bạn học dễ hiểu bài hơn, hiểu nhanh và sâu hơn. Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ một vài bí quyết giảng dạy mà các bạn có thể áp dụng vào lớp học của mình nhé.
Contents
1.Tạo liên kết kiến thức mới với kiến thức cũ
Khi giới thiệu một bài học mới, giáo viên có thể kết nối với những kiến thức cũ mà học sinh đã học trước đó. Việc này giúp học sinh dễ dàng hiểu và ghi nhớ chủ đề mới hơn. Cụ thể hơn, chúng ta có thể gợi ý cho các bạn tìm những điểm tương đồng giữa kiến thức mới và kiến thức cũ, giúp học sinh tạo ra liên kết tự nhiên giữa hai chủ đề và giúp họ hiểu bài lâu hơn.
Ví dụ: Khi dạy bài mới về thì tương lai đơn, giáo viên có thể cho các bạn so sánh sự khác nhau về cấu trúc câu của thì hiện tại đơn (I go to school) và tương lai đơn (I will go to school tomorrow) để các bạn dễ nhận dạng cấu trúc mới.
Bên cạnh đó, việc sử dụng ví dụ và ứng dụng kiến thức mới vào thực tế để giúp học sinh hiểu rõ hơn về bài học cũng là một ý rất hay. Việc này giúp học sinh nhớ kiến thức mới lâu hơn vì họ có thể thấy rõ liên kết giữa kiến thức mới và cuộc sống hàng ngày của họ.
Ví dụ: Nếu các bạn thử hỏi học viên là các bạn muốn nói với thầy cô là “thầy ơi ước gì thầy cho bài tập về nhà ít lại”, thì mình sẽ dùng cấu trúc gì? Từ đó dẫn dắt đến kiến thức mới là cấu trúc “I wish” chẳng hạn. Như vậy sẽ gợi cho các bạn tính ứng dụng của bài học mới tốt hơn.
2. Sắp xếp trình tự bài học cho hợp lý
Vì đa phần, bài học của các bạn đều chứa nhiều các thông tin mới nên cần phải được tổ chức một cách hợp lý để học sinh theo dõi một cách liền mạch và dễ hiểu. Thông thường, kiến thức mới cần được sắp xếp theo thứ tự từ cơ bản đến phức tạp, từ dễ đến khó hoặc theo một thứ tự logic để giúp học sinh dễ dàng tiếp nhận và hiểu bài học.
Ví dụ: Để các bạn học một buổi Speaking sao cho hiệu quả và đạt mục tiêu của buổi học, các bạn cần phải có lượng từ vựng và ngữ pháp đủ để nói ra một cách mạch lạc. Như vậy, trước khi cho các bạn học Speaking, giáo viên phải dạy trước từ vựng của chủ đề và giải thích những điểm Ngữ pháp quan trọng cho buổi học Speaking ngày hôm đó.
Hoặc: Khi học một bài Ngữ pháp mới, giáo viên cần cho các bạn làm quen với cấu trúc câu trước, rồi từ từ cho các bạn đặt câu với những từ vựng thầy cô cho sẵn. Cuối cùng hãy cho các bạn tự đặt câu mà giáo viên không cần cho từ vựng nữa để các bạn có thể tự vận dụng kiến thức mới đã học.
3. Sử dụng hình ảnh, video và đồ họa
Sử dụng hình ảnh, video trực quan là một trong những cách vô cùng hữu hiệu để học sinh hình dung được những khái niệm khó và hiểu bài nhanh hơn, giúp học sinh ghi nhớ thông tin lâu hơn. Các bạn nên cân nhắc dùng hình ảnh và video để giới thiệu bối cảnh và mục đích của bài học, đồng thời tạo sự hứng thú cho học sinh.
Ví dụ: Khi học từ vựng mới, hãy sử dụng nhiều hình ảnh trực quan có liên kết với từ vựng để giúp các bạn kết nối từ vựng với hình ảnh, giúp các bạn hiểu hơn ý nghĩa của từ và dễ nhớ hơn. Hoặc trong các buổi học Speaking, sẽ hay hơn nếu có các hình ảnh về chủ đề mà các bạn học viên sẽ chuẩn bị tập nói, chẳng hạn như hình nhà hàng, thức ăn khi chuẩn bị thực hành Speaking chủ đề “Dining out”.
Ngoài ra, các khái niệm ngữ pháp hay những ví dụ cũng sẽ khá là khó tiếp thu nếu như học viên chỉ được nhìn vào một slide toàn là chữ và nghe thầy cô giảng suốt 20 phút. Trong trường hợp này, hình ảnh và video để minh họa các khái niệm mới hay trình bày các ví dụ là vô cùng hợp lý.
Ví dụ: Để chỉ ra điểm khác biệt giữa thì quá khứ đơn và thì hiện tại hoàn thành, giáo viên có thể đưa ra hình ảnh một trục thời gian. Những hành động ở thì quá khứ đơn thì được biểu thị ở một mốc nào đó trong quá khứ. Còn những hành động ở thì hiện tại hoàn thành có thể được biểu thị di chuyển từ một mốc trong quá khứ đến mốc thời điểm hiện tại.
4. Yêu cầu học viên trình bày lại
Để đảm bảo học sinh thật hiểu bài sâu và kỹ, hãy để các bạn giải thích lại những điều đã học được cho cả lớp và thầy cô cùng nghe. Việc giải thích lại giúp học sinh củng cố kiến thức và tăng cường khả năng ghi nhớ thông tin vô cùng hiệu quả. Giáo viên có thể cho các bạn:
– Tóm tắt lại bài học bằng cách yêu cầu học sinh trình bày lại các ý chính, khái niệm và thông tin quan trọng của bài học.
– Đưa ra ví dụ khác ngoài bài học về các khái niệm mới học trong bài để giúp họ hiểu rõ hơn và nhớ lâu hơn.
– Giải thích lại các khái niệm hoặc nội dung mới trong bài học bằng cách sử dụng ngôn ngữ và cách diễn đạt của riêng mình.
– Liên kết nội dung bài học mới với trải nghiệm cá nhân
Hy vọng những chia sẻ trên của mình sẽ giúp các bạn phần nào giúp học sinh hiểu bài nhanh và lâu hơn.
Chia sẻ từ Thạc sĩ Lương Anh Vũ – IELTS 8.0