Làm gì khi học trò không làm bài tập?

Hồi xưa mình nóng tính lắm, bây giờ đỡ rồi. Lúc học trò không làm bài tập, mình thường hay giận và trách móc lắm. Kiểu ấm ức trong lòng sao các bạn đóng tiền học mà không chịu khó chút xíu, chịu khó làm bài, chịu khó tập trung nghe giảng trong 2 tiếng này thôi.

Sau đó mình đi học, mình nhận ra, mình cũng không tập trung nổi nếu như bài học đó không đủ hấp dẫn, hoặc mình mang suy nghĩ rằng sẽ không áp dụng được vào thực tế. Cũng có một khoảng thời gian dài, mình tập nhìn nhận lại những lúc vì sao học trò không chịu nộp bài, mình gửi các bạn một số đúc kết cá nhân, một số lấy từ nghiên cứu nhé.

Dưới đây là một số phương pháp giảng dạy mà các thầy cô cùng tham khảo khi học trò không làm bài tập:

1. Chuẩn bị một buổi dạy thật hấp dẫn

Buổi học hấp dẫn đồng nghĩa với việc học trò sẽ ghi nhớ sâu sắc bài học hơn, nhớ đến người giáo viên của buổi học đó nhiều hơn, từ đó tránh tình trạng học trò không làm bài tập. Để có một buổi học hấp dẫn, các bạn giáo viên nhớ dành nhiều thời gian hơn để chuẩn bị cho bài dạy, hãy tạo slide powerpoint thật đẹp (dùng slidesgo.com để lấy template powerpoint đẹp), dùng đa dạng các trò chơi, các phần mềm tương tác trong buổi học để khiến học viên tập trung hơn (bamboozle, quizziz, wordwall, kahoot, classpoint…)

Xem thêm >> Làm Thế Nào Để Tạo Không Khí Lớp Học Sôi Động?

2. Bài tập về nhà nên liên hệ thực tế

Hãy dùng hết trí sáng tạo của mình để biến một bài tập bình thường thành một thử thách thú vị, một hoạt động gì đó mà học trò sẽ cần sử dụng tiếng Anh trong thực tế. Nếu không sử dụng được trong thực tế, học trò cũng sẽ không muốn làm đâu (Mohammad, 2016). Hôm bữa mình làm workshop về chủ đề homework, khi mình hỏi các thầy cô tham gia về những cách có thể biến một bài tập ghi thời gian (Write the time for these clocks), có một ý rất hay đó là thay vì học viên làm bài trong workbook, hãy kêu học viên chụp hình lại cái đồng hồ trong nhà và ghi chú thời gian bên dưới hình đó, úp vào nhóm lớp (Mình thấy ý này qúa hay luôn và mình sẽ thử áp dụng).

3. Bài tập về nhà nên là audio-based hoặc video-based

Vì mục đích cuối cùng của việc học ngôn ngữ là giao tiếp, và để giao tiếp tốt, chắc chắn phải có input (Krashen, 1998). Hãy tận dụng thời gian làm bài ở nhà để học viên nghe, xem nhiều hơn. Việc nghe nhiều, xem nhiều sẽ giúp học viên hấp thụ ngôn ngữ một cách tự nhiên hơn, và chắc chắn các dạng bài tập này sẽ đỡ buồn ngủ hơn reading hay writing. Trang web yêu thích của mình – Wordwall, Quizlet – đều có chức năng đọc to từ vựng khi các bạn soạn tài liệu trên đó, hãy tìm hiểu thử nha.

4. Khi có thể, hãy thiết kế bài tập nhóm

Bài tập nhóm không chỉ giúp các bạn trao đổi, học hỏi lẫn nhau, còn giúp các bạn cải thiện được các kĩ năng mềm khác mà bản thân chúng mình khi học đại học xong thấy rất rõ. Đừng nghĩ bài nhóm phải là 1 cái gì đó quá khó, có thể là quay video theo cặp nói lại bài hội thoại, hoặc cùng nhau trình bày một mindmap. Đương nhiên không phải bài nào, lớp nào cũng áp dụng được, nhưng hãy thử nhé. Không được thì thôi cũng chả mất gì.

5. Chấm bài có tâm hơn

Khi học viên được nhận xét, feedback kĩ, đặc biệt là lớp luyện thi và lớp người lớn, chắc chắn các bạn sẽ thấy được giá trị và quyền lợi của các bạn khi nộp bài. Vậy nên các bạn ý sẽ tranh thủ nộp để được thầy cô nhận xét rồi.

6. Cái cuối cùng: Đừng giận học trò, hãy hỏi thăm

Đương nhiên sẽ có những bạn lười thật, nhưng không phải ai cũng vậy. Học trò bận nhiều thứ, cũng giống mình thôi. Nếu giáo viên hỏi thăm, quan tâm, chắc chắn các bạn ý sẽ chịu khó làm bài hơn để không phiền lòng cô. Hồi xưa mình hay giận lắm, xong mình đọc cuốn ‘Giận’ của thầy Thích Nhất Hạnh, mình đỡ hơn, nghĩ cho học trò nhiều hơn.

Nhớ nha, đừng giận học trò, tội nghiệp.

Xem thêm >> Những Kỹ Thuật Giải Nghĩa Một Từ Hiệu Quả

Chia sẻ từ Thạc sĩ Lê Trần Ngọc Thảo – Edith Cowan University, Úc

Nguồn tham khảo bài viết:

  • Krashen & Terell (1998) – The Natural Approach
  • Mohammad (2016) – Homework: Voices from EFL teachers and learners

Là trung tâm chuyên đào tạo Giáo viên Tiếng Anh Chuyên nghiệp và Cấp chứng chỉ dạy tiếng Anh TESOL tại Việt Nam.

Với khóa học TESOL Premium dành cho những học viên có mong muốn cải thiện khả năng giảng dạy và tiếp xúc với những kiến thức, phương pháp dạy học tiên tiến và hiệu quả. Không chỉ chú trọng vào chất lượng giảng dạy và kết quả thực sự.

Chúng tôi còn đặt tâm vào sự phát triển về cảm xúc lẫn tinh thần của học viên. Để mỗi học viên tốt nghiệp sẽ trở thành một giáo viên Tiếng Anh có TÂM – TẦM – TÀI.

Chúng tôi hi vọng sẽ đóng góp cho sự phát triển tích cực của bạn – một giáo viên Tiếng Anh chuyên nghiệp thực thụ nói riêng cũng như việc dạy và học Tiếng Anh ở Việt Nam nói chung.