Contents
Làm gì khi có bé mất tập trung trong giờ học?
Trước tiên mình cần làm rõ, ở độ tuổi các bé còn hiếu động như thế này, mục đích chúng ta ở trong lớp là làm cho các bé yêu tiếng Anh trước, thứ 2 là nhận diện được hình ảnh và lời nói mình phát ra, sau đó là có thể nói theo được từ, hoặc câu đơn giản và cuối cùng mới là nhận diện mặt chữ hay viết được chữ.
Để lớp có thể suôn sẻ thì ngoài bản thân bạn, các bé, còn nhờ sự kết hợp ăn ý nhuần nhuyễn của các bạn trợ giảng nữa. Nên nếu bạn không may làm việc với trợ giảng chưa thực sự tốt, thì đừng đổ lỗi cho ai cả, hãy coach và mentor bạn í hết sức có thể. We’ve all been there mà, đúng không?
I. Nguyên nhân (cả chủ quan, khách quan):
1. Bé còn nhỏ. Bạn đừng so sánh bé với các bé khác cùng tuổi trong lớp, mỗi bé về thể chất về tinh thần sẽ có sự phát triển rất khác nhau. Mình làm 7 năm trong ngành giáo dục tiếng Anh cho trẻ em, đã từng thấy vài bé tầm 4 tuổi rất hiếu động, nhưng sau đúng 7 năm (ôi nhanh thật) mình gặp lại thì các bé lại rất trầm tính và tập trung trong lớp.
2. Tính bé như vậy thật. Bé thích chạy thích nhảy.
3. Bạn và bé chưa thể kết nối với nhau. Mình nói như này không phải để blame bạn, nhưng thật sự có thể chuyện như thế. Mình đi dạy 100 bé sẽ có 1-2 bé không thể kết nối với mình. Cũng như giữa chúng ta dù chung độ tuổi với nhau sẽ có những người dù cố gằng cách mấy cũng không thể “bắt sóng” được với nhau. Nếu như trong lớp có trợ giảng có thể kết nối được với bé thì chúc mừng bạn. Còn nếu không thì bạn cứ hết mình và chân thành với bé, vậy là đủ.
4. Bé có vấn đề về tâm lí, các bệnh tăng động.
5. Bé đã học quá nhiều ngoài tiếng Anh ra rồi và không thể tiếp thu thêm được gì nữa.
6. Lesson plan của bạn vẫn chưa đủ thuyết phục.
Hoặc nhiều lí do khác nữa.
Xem thêm >> 9 Cách Giúp Giáo Viên Đưa Ra Phản Hồi Tích Cực Cho Học Viên
II. Vậy, bạn cần làm gì?
1. Đừng trách bản thân, đừng trách bé!
Như mình có nói, độ tuổi các bé chúng ta nên chú trọng tới việc tạo ra một môi trường thật vui tươi năng động, để các bé yêu trường mến bạn hơn. Bé có thể có vấn đề về tâm lí, có thể chưa đủ lớn để tập trung, có thể tính bé như vậy. Quan trọng là bạn luôn yêu thương, theo sát bé.
2. Siết chặt kỉ luật của lớp:
Chuyện này phụ thuộc vào kinh nghiệm của bạn, spirit của lớp, và cả sự kết hợp ăn ý giữa bạn và trợ giảng rất nhiều. Các bé còn nhỏ, những hành động vỗ tay, hô to “5-4-3-2-1” của bạn sẽ tạo được sự chú ý của chúng hơn là chỉ đơn thuần nói “open your books”
Bạn có thể vỗ tay thật lớn 2 lần rồi bảo “Open your books to page…. – 5 4 3 2 1”, Khi bạn đếm hết 1 mà bé nào vẫn chưa lấy thì bé đó bị trừ sao, hoặc đội nào lấy đủ sách trên bàn trước được cộng thêm điểm.
Tương tự với các câu “Sit nicely” “Line up”, …
Bạn có thể chia đội mỗi ngày, tặng sao, tặng stickers cho các bé để khuyến khích. Trong lớp luôn có luật riêng như đếm từ “5-4-3-2-1” là phải về chỗ ngồi. Xóa hay thêm sao đều minh bạch, thưởng phạt có đủ. Cách này sẽ rất rất hiệu quả với các bé thích chạy nhảy nhưng có tính cạnh tranh, nhưng lại sẽ không hiệu quả với các bé kiểu còn nhỏ và chưa có khả năng tập trung.
3. Hãy để bé được lựa chọn:
Khi mình ngồi trong 1 vòng tròn, sẽ luôn có những bé không hợp tác. Mình luôn bỏ qua và nhìn qua bé khác, sau khi hết vòng tròn mình sẽ quay lại hỏi “Hey A, you wanna join?”, nếu bé thấy vui và hứng thú thì bé sẽ gật, còn bé lắc thì thật mình chỉ cười, vì ép bạn ép bé chắc chắn sẽ không mang lại kết quả gì.
Một số bé sẽ rất thích các hoạt động tô màu, cắt dán. Bạn có thể lợi dụng điểm này để “dụ khị” bé. Ôm bé và hỏi “You wanna color?” hay “You want to make this later? Be nice and we’ll do it at the end of this class”. Hẳn nhiên là với các bé hiếu động thuộc dạng thượng thừa thì câu này chỉ có hiệu lực trong vòng 10 phút trở lại thôi. Chuyện bạn nên làm là liên tục nhắc bé, rằng nếu bé học ngoan thì tí nữa chúng ta sẽ được cắt dán thủ công chung với nhau. Tầm 15-20p cuối giờ cùng các bé tô màu cũng rất quí giá đấy, và bạn còn có thể tận dụng cho chuyện khác nữa, mình sẽ quay lại sau.
4. Tinh tế:
Nếu bé thực sự có vấn đề về tâm lí thì mình khuyên bạn, hãy thật kiên nhẫn với bé. Vội vàng chắc chắn sẽ không đem lại kết quả gì trong trường hợp này đâu. Bạn hãy thả lỏng ra, thả lỏng cả bé ra nữa. Dành thời gian mỗi ngày nói chuyện với bé, bé thương bạn thì bé sẽ nghe lời bạn. Thật lòng mình nói, với những bé dạng này, bạn phải chuẩn bị tinh thần là ngày nào cũng sẽ phải deal với bé.
Nhưng quả bạn gặt được cũng không nhỏ đâu, mình từng deal với 1 bé như vậy. Và tới ngày gần kết khóa, em ấy ngồi dựa vào tay mình. Tự nhiên cảm thấy nghề mình làm thật đáng yêu, dù chỉ là 1 cử chỉ nhỏ.
5. Đừng quên ôn bài cho bé:
Chắn chắn vì bạn cho bé được quyền lựa chọn, nên bé sẽ lỡ mất vài khúc quan trọng trong ngày. Lúc cả lớp đang tô màu, bạn có thể tận dụng khoảng thời gian này để sửa phát âm, ôn bài cho bé để đảm bảo bé không bước ra khỏi lớp mà không biết gì.
6. Báo phụ huynh:
Với những lớp nhỏ như thế này, việc quan trọng là chúng ta phải thật theo sát bé và báo cáo lại với phụ huynh. Đừng cho rằng như thế này là “mắng vốn”, bạn hãy chân thành report lại những gì xảy ra trong lớp, để phụ huynh hiểu và thông cảm cho mình hơn cũng như có thể học cùng bé ở nhà tốt hơn.
7. Thả lỏng bản thân:
Dạy 1 lớp nhỏ như thế này, bạn sẽ đối mặt với chuyện giáo án của bạn thường xuyên bị “vỡ”, vì chắc chắn sẽ có những chuyện không đúng ý bạn xảy ra. Cho nên, hãy thả lỏng bản thân ra. Sẽ có những ngày bạn bước ra khỏi lớp và cảm thấy mình thật tồi tệ, hôm nay giờ học không hiệu quả. Nhưng hãy nhìn vào mặt tích cực, bạn đang tạo ra một “sân chơi” giáo dục hết sức lành mạnh và đầy yêu thương cho các học viên bé nhỏ của bạn.
8. Soạn giáo án thật chặt chẽ, nhưng cần phải linh động:
Đôi lúc vấn đề có thể bắt nguồn từ mình, vì có thể bạn chưa quen soạn giáo án cho lớp nhỏ như thế này. Giáo án của bạn phải thật chặt, đi từ present từ – nhận diện âm thanh bạn nói, hình ảnh từ flashcard – nói được từ và ghép vào câu. Nếu bạn không đi đúng thứ tự này mà ban đầu đã có hoạt động yêu cầu bé phải nói ra được từ, với một số bé chậm sẽ không hiệu quả, vì bé không làm được nên bé sẽ không muốn làm.
Một tiết học 1h30p hoặc 2h bạn cần 3-4 activities để thay đổi liên tục. Và bất cứ khi nào cảm thấy lớp chùn xuống, các bạn phải lập tức chữa cháy và đổi hoạt động, đừng quá cứng nhắc hen.
Sẽ còn nhiều phương án giải quyết khác nữa, mà theo thời gian bạn sẽ tự tìm ra phương pháp thích hợp với lớp bạn và chính bản thân bạn.
Chúc các bạn dạy thật tốt nhe!