Q: Em muốn hỏi về cách nhắc nhở khi học trò không nghe lời để các em có thể khắc phục ạ. Khi học sinh nói tục, hoặc nói tự do trong giờ, giáo viên nhắc nhở không nghe, áp dụng kỷ luật tích cực, hẹn gặp riêng có, nhưng học sinh không thay đổi thì thế nào ạ?
—
A: Khen ngợi và động viên các hành vi tích cực của học trò là điều tốt, và đây cũng là điều Mr. Bách tập trung khá nhiều hồi tuổi nghề còn trẻ.
Tuy nhiên, “with age come wisdom”, càng về sau này Mr. Bách nhận ra còn một khía cạnh nữa cũng quan trọng không kém mà trước đây bản thân ít chú tâm tới: nghiêm khắc phê bình trong dạy dỗ.
“Dạy dỗ” là vừa có “dỗ” – là dịu dàng mềm mỏng, vừa có “dạy” – là kiên quyết, nghiêm khắc. Trong việc rèn luyện đạo đức, tác phong cho học trò mình, ngoài việc khen thưởng, thầy cô chúng ta cần phải có những lúc “đanh” lại, dạy điều đúng sai một cách rõ ràng, nghiêm minh, phê bình thẳng thắng những chỗ sai của học trò, để các bạn thực sự thấy được sức nặng của lỗi lầm mà chú tâm sửa chữa.
VD: Trong trường hợp học trò nói lời không hay mà em đưa ra, ngay lúc nghe thấy bạn nói, em hãy phê bình ngay, sử dụng tông giọng nghiêm khắc, sắc mặt nghiêm nghị, nhìn thẳng học trò: “Thầy/cô không đồng ý nghe những lời không hay như thế trong lớp. Lời hay ý đẹp sẽ giúp thể hiện sự lịch sự của bản thân chúng ta với người nghe. Đây là lần cuối cùng thầy/cô nghe em nói như vậy, được không?”. Đảm bảo áp lực đến từ cái nhìn của cả lớp, cộng với sức nặng trong lời của giáo viên sẽ giúp bạn học viên này “uốn lưỡi” trước khi nói về sau.
Ngoài ra, để tăng thêm phần sâu sát, Mr. Bách cũng rất khuyến khích em tận dụng lúc gặp riêng để dạy đúng dạy sai, “sinh hoạt công dân” cho học trò. Hãy tạo không khí nghiêm trang, lời nói rõ ràng, gãy gọn, nghiêm túc không đùa giỡn để học trò thầy cô thực sự coi trọng việc sửa chữa tác phong cho mình.
Kèm theo việc dạy dỗ là đưa ra hành động cụ thể, VD như cấm nói lời bỗ bã từ giờ đến cuối khóa, bắt phải bỏ xưng “mày tao”, đổi sang xưng “bạn tui”, hoặc “ông/bà tui” cũng được, bắt phải giữ im lặng trong 30’ đầu giờ,… để học trò thực thi, GV theo dõi.
Hy vọng rằng những lời khuyên trên sẽ giúp em có những lớp học nhân văn, kỷ luật, hiệu quả hơn nhé!