Trong bài viết trước, chúng ta đã xem xét tính hiệu quả của hình ảnh và những câu chuyện để giúp bài học đáng nhớ hơn. Trong bài này, tôi muốn xem xét vai trò của cảm xúc – cả trong môi trường học tập nói chung và những nội dung mà chúng ta đưa vào bài học.
Contents
Cảm xúc
Bạn sẽ chọn tính từ nào sau đây để mô tả một môi trường học tập lý tưởng?
- Thử thách – Hợp tác – Hấp dẫn – Thú vị
- Thân thiện – Vui vẻ – Thường đặt câu hỏi
- Cởi mở – Thoải mái – Có tính hỗ trợ
Có thể bạn sẽ chọn hầu hết những điều này, nhưng tôi đề nghị bạn suy nghĩ về những học sinh cá biệt; một người thích lớp học nghiêm túc và đi thẳng vào bài học, và một người khác thích một lớp học vui vẻ và cách tiếp cận ít cấu trúc hơn; một người thích có cơ hội để được luyện tập nói trước mọi người và một người khác cảm thấy căng thẳng khi phải nói tiếng Anh trước mặt bạn bè của họ. Rõ ràng, những gì mang tính thử thách (theo cách tích cực) đối với một học sinh có thể gây áp lực lên một học sinh khác. Vậy, giáo viên tiếng Anh chúng ta cần làm gì để thích ứng với những khác biệt này?
Sự căng thẳng
Nghiên cứu được trình bày bởi Stevick (1) cho thấy rằng những căng thẳng hoặc lo lắng gây giảm sự chú ý khi học và nhớ lại kiến thức trong quá trình kiểm tra hoặc thực hành. Chúng tôi gợi ý rằng giáo viên cần thúc đẩy bầu không khí thoải mái và có tính hỗ trợ nhiều hơn trong lớp học.
Tuy nhiên, một nghiên cứu khác cho thấy rằng nếu học sinh quá thoải mái – trong trạng thái mà các nhà tâm lý học gọi là ‘kích thích thấp’ – thì năng lực học tập cũng bị giảm sút. Vì vậy, chúng ta cần tìm một điểm trung gian mà học sinh không cảm thấy căng thẳng và cũng không thấy thiếu sự thử thách.
Đồng thời, chúng ta cần thường xuyên để tâm đến những thay đổi trạng thái cảm xúc của học sinh (thứ mà chúng ta ít kiểm soát được) và điều chỉnh mức độ thử thách và loại hoạt động cho phù hợp. Những giáo viên giỏi nhất theo kinh nghiệm của tôi là những người có thể khuyến khích học sinh của họ có thể cởi mở và tiếp thu bài học: nói cách khác, họ thách thức bạn – gần như trêu chọc bạn – để bạn có thể đón nhận bài học một cách thân thiện và không cảm thấy bị đe dọa.
Gắn kết cảm xúc và đồng cảm
Tôi đã dành toàn bộ sự nghiệp giảng dạy và viết lách của mình để tìm kiếm tài liệu mà tôi nghĩ sẽ thu hút và kích thích học sinh. Nguyên tắc đằng sau điều này là nếu phương tiện mà ngôn ngữ được trình bày đủ thú vị và có ý nghĩa đối với người học, tức là hấp dẫn về mặt cảm xúc, họ sẽ hấp thụ những ý tưởng và câu chuyện này vào việc giao tiếp của chính họ. Khi làm như vậy, họ sẽ ghi nhớ tốt hơn ngôn ngữ đã truyền đạt những ý tưởng đó. Theo cách này, việc sử dụng nội dung có tính xác thực, và đặc biệt là nội dung ‘toàn cầu’ như của National Geographic, đặc biệt tốt vì nó giới thiệu cho người học nhiều trải nghiệm mới và quan điểm mới. Đồng thời, nó khuyến khích sự đồng cảm – khả năng đặt mình vào hoàn cảnh của người khác – là một phần quan trọng của sự hiểu biết toàn cầu và trở thành một công dân toàn cầu. Bạn nghĩ chủ đề nào trong số những chủ đề này khuyến khích sự đồng cảm?
- Một siêu mẫu người Đức mô tả những gì cô ấy ăn trong một ngày điển hình
- Cư dân của một thị trấn nhỏ ở một bang miền nam Hoa Kỳ nói về cách một thư viện mới đã thay đổi cuộc sống ở nơi đó.
- Hai cậu bé người Palestine đến từ Gaza mô tả cách chạy parkour hoặc chạy tự do giúp họ giữ dáng và mang lại cho họ hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn.
- Một triệu phú người California mô tả cách anh ta dự định bảo quản cơ thể của mình bằng cách đông lạnh nó lại để anh ta có thể có một cuộc sống thứ hai trong tương lai.
*Xem cuối bài để có câu trả lời **
https://tse-tesol.edu.vn/khoa-hoc-tesol-premium/
Sự cá nhân hóa
Lập luận cho việc cá nhân hóa là nó ngay lập tức mở ra cánh cửa đến những gì liên quan nhất đến người học của chúng ta: trải nghiệm của chính họ. Nhưng nó cũng mở ra cánh cửa để nghe về những trải nghiệm của người khác – cuộc sống của những người khác – có thể hấp dẫn và đáng nhớ.
Tôi đang đọc bài đăng trên blog In Focus của John Hughes về cá nhân hóa và ví dụ của anh ấy về câu hỏi “Bạn đã bao giờ ..”. Tôi chợt nhớ lại một trong những câu hỏi tôi đặt ra trên lớp là: ‘Bạn đã bao giờ tham gia tuần hành hoặc biểu tình chưa?’ Một sinh viên đến từ Cộng hòa Dominica giải thích rằng anh ta chưa từng tham gia một cuộc biểu tình, mà anh là một trong những cảnh sát đang kiểm soát một cuộc biểu tình… Đó là một cuộc biểu tình nhằm thu hút sự chú ý về tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo ở đất nước và là một vụ căng thẳng vì cảnh sát lo lắng về việc nó trở nên bạo lực. Tất cả chúng tôi đều có một chút lo lắng khi nghe điều này và tự hỏi anh ấy sẽ nói gì tiếp theo. Nhưng sau đó anh ấy kể rằng, khi những người biểu tình đi qua, anh ấy đã nhận ra một người bạn học cũ từ thị trấn của mình mà anh ấy đã không gặp trong nhiều năm. Các vai trò khác nhau của họ trong cuộc biểu tình ngay lập tức trở nên không còn quan trọng; họ chào nhau niềm nở và sau đó hẹn nhau đi uống nước để ổn lại chuyện xưa. Quan điểm của tôi là chúng ta thường nhớ những câu chuyện cá nhân không phải của riêng chúng ta, nếu không muốn nói là chúng ta nhớ những câu chuyện của người khác tốt hơn một số trải nghiệm của chính chúng ta.
Xem thêm: Trẻ Em Hấp Thụ Ngôn Ngữ Như Thế Nào?
Sự riêng tư và bạn
Sự khao khát ‘cá nhân’ này còn mở rộng đến cả bạn, một giáo viên. Học sinh sẽ muốn nghe về cuộc sống và trải nghiệm của nhau nhưng họ cũng sẽ muốn nghe về cuộc sống của bạn. Sử dụng những câu chuyện cá nhân của riêng bạn có thể hoạt động như một cách hữu ích để mô hình hóa ngôn ngữ.
Ví dụ: Hãy tưởng tượng bạn đang dạy một bài học về “Những bài học bạn đã học được trong cuộc sống” (trọng tâm là dùng thì Hiện tại hoàn thành và Quá khứ đơn). Trước khi yêu cầu học sinh nói về các bài học mà họ đã học được (về con người, bạn bè, gia đình, tiền bạc, công việc, sức khỏe, v.v.) , bạn có thể kể một câu chuyện về suy nghĩ của riêng bạn về sự nguy hiểm của việc gửi email hoặc tin nhắn trong thời điểm này. Loại mô hình này không chỉ cho học sinh thấy rằng bạn cũng rất hứng thú với chủ đề này mà còn giúp họ tăng sự tương tác với bạn. Và khi học sinh thực hiện kết nối cá nhân đó, họ có nhiều khả năng học hỏi từ bạn hơn.
Nguồn ảnh: Unsplash.com
Điều bất ngờ
Tuy nhiên, không phải mọi thứ đáng nhớ đều có thể liên quan ngay lập tức. Một câu chuyện viển vông có thể không liên quan đến cuộc sống của bạn hoặc của tôi – ví dụ như câu chuyện về bảo quản thi thể bằng phương pháp đông lạnh ở trên (mà bạn có thể đánh dấu là khó đồng cảm) – có thể thu hút trí tưởng tượng của ai đó. Những mẩu thông tin mang tính ‘kì lạ’ hoặc ‘không ngờ đến’ thường có thể khá đáng nhớ. Khi dạy thuật ngữ ‘bare feet’, tôi thường đề cập với học sinh rằng Einstein không đi tất vì ông có những ngón chân cái rất to khiến chúng cứ tạo ra những lỗ hổng trên những chiếc tất của ông.
Tôi sẽ nói nhiều hơn về việc sử dụng những điều bất ngờ trong bài giảng trong bài viết tiếp theo với các kiến thức về ‘Lặp lại, khôi phục và diễn tập’. Trong khi chờ đợi, đây là ba câu hỏi để nhắc nhở bản thân về những điểm chính trong bài đăng trên blog này…. và thêm một câu hỏi cuối nữa, tổng cộng là 4 câu nhé!
- “Trạng thái” tốt nhất cho người học để học hiệu quả là gì?
- Tại sao việc sử dụng các chủ đề khuyến khích sự đồng cảm lại quan trọng?
- Khi chúng ta nói về sự cá nhân hóa, câu chuyện cá nhân của ai khiến việc học trở nên đáng nhớ?
- Bạn đã học được sự thật kỳ lạ nào về Einstein?
*Câu trả lời cho câu hỏi ở phần Gắn kết cảm xúc và đồng cảm:
Ví dụ 1 và 4 không thực sự khuyến khích sự đồng cảm vì tôi nghĩ rằng đối với hầu hết chúng ta, rất khó để đồng cảm với cuộc sống của những cá nhân giàu có và nổi tiếng. Ví dụ 2 và 3 (trích từ video trong ấn bản LIFE Advanced 2) giúp chúng ta hiểu rõ hơn về hoàn cảnh của những người sống ở những nơi này.
— Paul Dummett
References
- Stevick, E.W. (1996) Memory, Meaning and Method, 2nd edition (Heinle) pp 98-100
Bài được dịch và biên tập từ National Geographic Learning
https://infocus.eltngl.com/2017/12/06/making-learning-last-emotion/