Lý thuyết Hấp thụ ngôn ngữ (Second Language Acquisition) là nền tảng rất quan trọng của một giáo viên giỏi. Hiểu được những kiến thức tổng quan này là chúng ta sẽ nắm được cách não bộ vận hành khi tiếp nhận ngôn ngữ mới. Từ đó chọn lựa được phương pháp giảng dạy phù hợp và hiệu quả nhất cho học trò mình.
Lần trước, TESOL Simple Education đã đề cập đến tầm quan trọng của 1 trong 5 lý thuyết Hấp thụ ngôn ngữ của Giáo sư Stephen Krashen – Thuyết Bộ lọc cảm xúc (Affective Filter Hypothesis). Bên cạnh đó, chúng ta cũng biết cách lý thuyết này vào lớp học để luôn tạo năng lượng trong lớp học.
Trong bài viết hôm nay, chúng ta hãy cùng tìm hiểu ý nghĩa và ứng dụng của THUYẾT ĐẦU VÀO – INPUT HYPOTHESIS nhé.
Giả thiết Đầu vào (Input Hypothesis) của Krashen cho rằng, 4 kỹ năng Nghe-Nói-Đọc-Viết được chia ra làm 2 loại Input (đầu vào) và Output (đầu ra).
Contents
Input (Bao gồm Nghe và Đọc)
Việc nghe âm thanh và đọc/nhìn chữ viết/hình ảnh của ngôn ngữ sẽ nạp cho não bộ thông tin (câu, từ, phát âm…).
Khi muốn nói hay viết một điều gì, não bạn sẽ tìm kiếm các thông tin phù hợp với ý nghĩa muốn biểu đạt để bắt chước. Sau đó, xuất ra qua lời nói hoặc chữ viết.
Output (Bao gồm Nói và Viết)
Và để có Output thì chúng ta phải được nạp Input thật nhiều và hiệu quả. Muốn Nói tốt thì phải Nghe nhiều, muốn Viết tốt thì phải Đọc nhiều.
Vậy làm sao để có Input hiệu quả?
Krashen cho rằng nội dung Input tối ưu khi có các đặc tính sau:
Hiểu được (Comprehensible)
Đây là đặc điểm cơ bản và cần thiết nhất vì nếu chúng ta không hiểu được nội dung thì đối với chúng ta lời nói chỉ là tiếng ồn và chữ viết chỉ là ký tự vô nghĩa. Chúng ta sẽ không thụ đắc được gì hết cho dù có nghe/đọc bao nhiêu đi nữa.
Hứng thú (Compelling)
Đầu vào tốt là nội dung làm cho chúng ta tập trung vào ý nghĩa mà nó chuyển tải. Nội dung lý tưởng là nội dung khiến chúng ta hoàn toàn tập trung vào việc hiểu nghĩa đến mức “quên” rằng mình đang nghe/đọc tiếng nước ngoài.
Lượng đủ lớn (Massive Input)
Đây là đặc điểm rất quan trọng vì quá trình tích lũy tự nhiên phải diễn ra đủ lâu thì mới phát huy hiệu quả. Nội dung đầu vào phải nhiều và được LẶP LẠI (repetition) thật nhiều để khắc sâu vào tiềm thức.
Đồng thời, Krashen cũng lưu ý rằng: chúng ta tích lũy ngôn ngữ thành công khi chúng ta được học nội dung có trình độ khó hơn một chút so với trình độ hiện tại. Nếu hiện tại trình độ của người học là “i”, thì nên được tiếp xúc với nội dung “i+1” Việc hiểu này sẽ được hỗ trợ bởi các yếu tố bên ngoài như hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ cơ thể, giải thích của giáo viên,….
Vậy input “n+1” là như thế nào?
Vậy Là input mà người học có thể hiểu được 80% trở lên. Khi hiểu 80% nội dung một cuộc đối thoại hay một câu chuyện, thông qua ngữ cảnh, người học có thể đoán được ý nghĩa của những từ nằm trong 20% còn lại. Việc tiếp xúc liên tục (continuous exposure) với input i+1 sẽ giúp người học tăng dần khả năng hiểu. Khi nắm được 95% trở lên, người học sẽ tiếp tục tăng độ khó input lên, và lặp đi lặp lại.
Giáo viên chúng ta có thể áp dụng Thuyết đầu vào này vào giảng dạy như thế nào?
Đầu tiên là áp dụng vào chọn tài liệu phù hợp với học trò. Rất nhiều giáo viên lúng túng không biết chọn giáo trình nào cho phù hợp giữa một rừng tài liệu. Câu trả lời là chúng ta sẽ kiểm tra trình độ học trò đang ở đâu (tìm ra “i”). Từ đó chọn những bài học mà học trò có thể hiểu được 80% (tìm “i+1”). Trong quá trình học, cho học trò xem/nghe/đọc thật nhiều nội dung bản ngữ. Tập trung vào việc hiểu nghĩa của chúng. Khi làm đủ, học trò sẽ tiếp xúc với lượng đủ kiến thức và tích lũy được ngôn ngữ ở trình độ i+1.
Nói cách khác, hãy tập trung vào những thứ căn bản trước . Chúng ta phải chỉ ra cho các bạn thấy đây là nền tảng để người học tiếp thu kiến thức phức tạp. Sự phát triển ngôn ngữ giống như việc đi bậc thang. Nếu học những thứ cao siêu ngay từ lúc khởi sự, vô hình chung chúng ta đang đập vỡ những bậc thang ở bên dưới. Và sẽ rất khó khăn để trèo lên được những bậc cao hơn. Nhưng nếu bạn kiên nhẫn đi từng bước phù hợp với tốc độ của mình, bạn sẽ tiến dần lên cao một cách dễ dàng.
Tiếp theo, để học trò tăng khả năng nghe hiểu, thì giáo viên cần tập trung vào nghe. Thuyết Đầu vào đã chỉ rõ: Input nào sẽ tạo ra Output đó. Nếu input là hình ảnh, output về hình ảnh sẽ được cải thiện. Nếu input là âm thanh, output âm thanh sẽ được cải thiện. Đọc nhiều, viết tốt. Nghe nhiều, nói tốt.
Trong 12 năm học ở trường, chúng ta chủ yếu dạy học bằng mắt. Vậy nên thông thường, kĩ năng đọc – viết của học trò sẽ tốt hơn kĩ năng nghe – nói. Nên chúng ta thấy rất nhiều người học chật vật khi xem phim hay video, nhưng nếu có phụ đề, tự nhiên họ sẽ thấy dễ hiểu hơn rất nhiều.
Do đó, muốn khả năng giao tiếp Tiếng Anh tiến bộ nhanh, vững vàng, thì phải Input nghe thật nhiều.
Tương tự, nếu muốn tăng vốn từ vựng, biết nhiều cấu trúc ngữ pháp bay bướm thì phải đọc thật nhiều sách truyện tiếng Anh. Muốn viết các bài luận khi thi IELTS, thi lấy học bổng thì phải đọc các bài báo, bài nghiên cứu thật nhiều.
Chốt lại, lý thuyết hấp thụ ngôn ngữ nhắc chúng ta nhớ: Muốn Output thì phải Input đủ lượng và hiệu quả. Các thầy cô hãy ghi nhớ nguyên tắc cơ bản này khi lựa chọn tài liệu và khi giảng dạy để giúp học trò của mình tiến bộ nhanh chóng nhất nhé!
Hẹn gặp lại các thầy cô ở các bài viết sau.