Đối với giáo viên tiếng Anh, kỹ thuật giảng dạy là một trong những “công cụ hành nghề” quan trọng nhất, giúp chúng ta có được lớp học hiệu quả, chất lượng và giúp học trò tiếp thu ngôn ngữ tốt nhất.
Và trong các kỹ thuật giảng dạy được áp dụng rộng rãi hiện nay, Scaffolding technique được đánh giá rất cao, vì tính chất dễ hiểu, dễ áp dụng, phù hợp cho mọi độ tuổi, mọi chương trình giảng dạy. Trong bài viết hôm nay, chúng ta hãy cùng tìm hiểu cách áp dụng Scaffolding vào lớp học nhé!
Kỹ thuật Scaffolding được chuyên gia tâm lý Vygotsky đưa ra để áp dụng vào dạy học ngôn ngữ, dựa theo ý tưởng “dạy một lần cho biết làm rồi thả tay ra từ từ”. “Scaffold” dịch ra tiếng Việt có nghĩa là “giàn giáo xây nhà”, và cách tiếp cận trong giảng dạy cũng mô phỏng theo việc chúng ta xây nhà: học trò sẽ được giáo viên “cầm tay chỉ việc” làm mẫu từ đầu, sau đó giảm dần hỗ trợ để học trò từ nghe nói đọc viết. Thực hiện scaffolding đều đặn sẽ giúp người học làm quen và nhanh chóng sử dụng thành thạo các cấu trúc khó, cải thiện kỹ năng toàn diện.
Các bước thực hiện Scaffolding sẽ theo thứ tự như sau:
– Giáo viên làm mẫu
– Giáo viên hướng dẫn học trò
– Học trò luyện tập theo nhóm nhỏ có giáo viên quan sát
– Học trò luyện tập theo cặp có giáo viên quan sát
– Học trò tự tự làm việc
Trong quá trình thực hiện, giáo viên sẽ tập trung sửa lỗi, chỉnh câu từ,… thật kỹ ở khoảng 3 giai đoạn đầu, sau đó lùi lại và quan sát, để học trò tự thể hiện.
Ví dụ cụ thể hơn nhé:
Mục tiêu của lớp học hôm nay là học trò tự hỏi đáp được mẫu câu “What’s this?” – “It’s a…”. Thầy cô giáo sẽ áp dụng scaffolding như sau:
– Hướng dẫn phát âm, cho tập nói to theo mẫu 2 mẫu câu, sửa phát âm thật kỹ
– Gộp nhóm nhỏ, cho từng nhóm thay phiên hỏi đáp lẫn nhau, giáo viên quan sát và sửa lỗi
– Tách nhóm thành cặp, cho hỏi đáp với nhau, giáo viên quan sát nhưng hạn chế sửa, để học trò tự nhiên
– Gọi từng bạn lên và hỏi đáp tự do
Hoặc trong lớp dạy viết:
Mục tiêu là viết được bài Task 1 trong bài thi IELTS
Thầy cô giáo sẽ áp dụng scaffolding như sau:
– Đọc hiểu đề, giải thích thật kỹ yêu cầu, các mẫu câu cần dùng và khung sườn bài viết
– Đọc bài viết mẫu và luyện viết lại theo mẫu 1 đoạn trong bài, GV đọc và sửa
– Học trò tự viết lại theo ý tưởng của mình, rút kinh nghiệm từ bài mẫu, GV đọc và sửa/học trò sửa lẫn nhau
– Đọc đề mới và tự viết theo ý tưởng của mình
Tóm lại, Scaffolding là kỹ thuật hiệu quả và rất dễ áp dụng chỉ với vài bước cơ bản, nhưng sẽ đem lại lợi ích rất lớn về lâu về dài cho người dạy lẫn người học. Mong rằng các thầy cô sẽ áp dụng Scaffolding thật thành công vào lớp học của mình nhé!