10 lời khuyên cho giáo viên tiếng Anh mới vào nghề


Khi là một giáo viên tiếng Anh mới vào nghề, chắc chắn là các bạn sẽ gặp phải rất nhiều những thách thức và khó khăn trong quá trình giảng dạy. Ai cũng thế cả, vì vạn sự khởi đầu nan mà. Tuy nhiên, đừng lo lắng vì trong bài viết này mình sẽ chia sẻ 10 lời khuyên giúp các bạn chuẩn bị một hành trang vững chãi và tiếp tục vững bước trên con đường trở thành một giáo viên tiếng Anh giỏi. 

1. Phải nắm vững kiến thức cơ bản

Giáo viên chúng ta cần phải hiểu rõ các điểm ngữ pháp, từ vựng, và phát âm để giảng dạy cho học sinh và xây dựng một nền tảng thật vững chắc cho họ. Đặc biệt là chúng ta phải kiên trì và chăm chỉ đọc sách, tài liệu và tham gia các khóa đào tạo và workshop để nâng cao kiến thức của mình.

2. Luôn xây dựng mối quan hệ tốt với học sinh

Các bạn học viên đi học đa phần có tâm lý sợ tiếng Anh lắm, vì sợ thầy cô la rầy, hay bạn bè cười chê mình nói sai ngữ pháp. Do đó, giáo viên phải chủ động tạo một môi trường học tập thân thiện và luôn nỗ lực hỗ trợ cho học sinh. Luôn luôn lắng nghe và thấu hiểu những khó khăn của học viên mình để ra sức giúp đỡ.

3. Học các viết Lesson Plan

“If you fail to plan, you plan to fail” – Benjamin Franklin
Các bạn mà không học cách viết Lesson Plan, sớm muộn việc dạy cũng sẽ rất khó khăn và không đạt được hiệu quả mà mình mong muốn. Do đó, một trong những kỹ năng đầu tiên khi đi dạy tiếng Anh là tìm cách lên kế hoạch bài giảng thật chi tiết và chắc chắn rằng các hoạt động trong lớp mình sử dụng phù hợp với trình độ của học sinh.

4. Trau dồi những phương pháp giảng dạy đa dạng

Nếu cứ chăm chăm sử dụng một phương pháp giảng dạy cho tất cả các lớp học, kỹ năng, thì các bạn học viên sẽ rất mau chán và bỏ cuộc. Vì vậy, chúng ta phải trau dồi thêm nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau cho từng kỹ năng. Ví dụ như phương pháp TPR  (Total Physical Response) dành cho dạy Từ vựng, hay phương pháp Listening Dictation (Chép chính tả) để dạy Listening.

5. Học cách sử dụng tài liệu cho khôn ngoan

Đừng để sách giáo khoa (textbooks)  quyết định mình dạy gì, mà hãy quyết định xem mình sẽ dạy gì từ nội dung của sách. Các bạn cần phải hiểu là sách giáo khoa bao gồm những nội dung và bài tập khác nhau được soạn thảo cho học viên luyện tập Vì vậy, điều này  không có nghĩa là mình sẽ cứ dạy cuốn sách theo thứ tự từ trên xuống dưới từ trái sang phải cho đến hết là xong. Các thầy cô  hãy tự chắt lọc những bài tập thật sự hay và liên quan mật thiết đến mục tiêu của từng buổi học.

6. Cải thiện kỹ năng giao tiếp

Giáo viên không chỉ cần có kỹ năng đứng lớp, mà việc giao tiếp làm sao cho thật hiệu quả với học viên, phụ huynh cũng là một kỹ năng vô cùng cần thiết. Đa phần các bạn học viên đều có rất nhiều vấn đề nhưng ngại bày tỏ với người khác. Vì thế chúng ta cần phải chủ động giao tiếp một cách chân thành lịch sự để giúp đỡ các bạn ấy. Còn với phụ huynh, họ luôn lo lắng cho sức học của con mình, nhưng lại không đủ hiểu biết về lĩnh vực tiếng Anh, cho nên giáo viên cần phải trấn an và nói chuyện với phụ huynh sao cho các bậc cha mẹ đều hiểu được thực lực và những khó khăn mà con họ đang mắc phải. 

7. Học cách phân tích và đánh giá quá trình học tập của học viên

Để đảm bảo chất lượng giảng dạy của mình được tốt, giáo viên luôn phải theo dõi sát sao và đánh giá kỹ lưỡng tiến độ học tập của học sinh. Việc này giúp cho giáo viên biết được năng lực của các bạn tiến triển ra sao, lý do gì các bạn không lên điểm so với các bạn khác. Và việc luôn luôn theo dõi tiến trình của các bạn sẽ giúp giáo viên dễ nói chuyện hơn với phụ huynh khi có vấn đề gì xảy ra.

8. Sáng tạo trong giảng dạy

Dù còn là một giáo viên tiếng Anh mới vào nghề, nhưng việc sáng tạo với những phương pháp hay hoạt động trong lúc giảng dạy cũng là một cách rất hay để các bạn học hỏi thêm. Hãy thử vận dụng những trò chơi và trong bài học, hoặc tham khảo thêm các dạng bài tập khác cho học viên. Biết đâu những điều nho nhỏ này sẽ giúp học viên càng thích những cái mới như vậy và học hăng say hơn. Còn lỡ như không được thì chúng ta sẽ rút kinh nghiệm cho lớp tiếp theo. 

9. Học cách quản lý lớp học

Các bạn phải luôn nhớ, tuy rằng học viên là trung tâm của lớp học, nhưng chính giáo viên là “thủ lĩnh” của lớp, dẫn dắt lớp, và đảm bảo buổi học diễn ra suôn sẻ, nên việc quản lý lớp học là rất cần thiết. Việc này đòi hỏi khá nhiều sự học hỏi và kinh nghiệm của giáo viên, nhưng nhìn chung thì chúng ta cần phải làm rõ nội quy lớp, thưởng phạt rõ ràng, xử lý những vấn đề nội bộ của lớp một cách tinh tế, và tạo ra một không khí thân thiện nhưng cũng có kỷ luật. 

10. Tiếp tục học tập và phát triển

Học sinh không phải là người duy nhất phải học tập trong lớp, mà chính giáo viên phải là tấm gương cho các bạn noi theo. Hãy nhớ luôn luôn cập nhật kiến thức mới, phát triển bản thân và kỹ năng giảng dạy, kỹ năng quản lý lớp thông qua việc tham gia các khóa đào tạo nghiệp vụ, hoặc tham gia seminar và webinar để học tập thêm.

Trên đây là những lời khuyên mà mình muốn gửi đến đến những thầy cô mới vào nghề. Mong là với những lời chia sẻ trên, mình đã giúp được mọi người phần nào đó yên tâm hơn khi bắt đầu với công việc giảng dạy và dần tìm được định hướng đúng đắn cho mình.

Chia sẻ từ Thạc sĩ Lương Anh Vũ – IELTS 8.0

Là trung tâm chuyên đào tạo Giáo viên Tiếng Anh Chuyên nghiệp và Cấp chứng chỉ dạy tiếng Anh TESOL tại Việt Nam.

Với khóa học TESOL Premium dành cho những học viên có mong muốn cải thiện khả năng giảng dạy và tiếp xúc với những kiến thức, phương pháp dạy học tiên tiến và hiệu quả. Không chỉ chú trọng vào chất lượng giảng dạy và kết quả thực sự.

Chúng tôi còn đặt tâm vào sự phát triển về cảm xúc lẫn tinh thần của học viên. Để mỗi học viên tốt nghiệp sẽ trở thành một giáo viên Tiếng Anh có TÂM – TẦM – TÀI.

Chúng tôi hi vọng sẽ đóng góp cho sự phát triển tích cực của bạn – một giáo viên Tiếng Anh chuyên nghiệp thực thụ nói riêng cũng như việc dạy và học Tiếng Anh ở Việt Nam nói chung.