Contents
Bạn đi dạy học vì điều gì?
TRÁCH NHIỆM công việc hay TÌNH THƯƠNG và NIỀM ĐAM MÊ?
Xin chào mọi người, mình hiện là Giáo Viên tiếng Anh, đã có hơn 6 năm kinh nghiệm trong việc học và giảng dạy ngoại ngữ. Mình cũng dành hơn 2 năm kinh nghiệm trong việc tổ chức events tiếng Anh như Speaking Club và các hoạt động dã ngoại ngoài trời kết hợp việc học ngoại ngữ. Ngoài ra, hiện giờ mình đang đồng điều hành CLB EHub Speaking Club – một CLB tiếng Anh Nói dành cho tất cả mọi người ĐÃ, ĐANG và SẼ học ngoại ngữ tại – hoạt động hằng tuần tại 3 quận nội thành: 3, 6, và 11.
Đã từng rất băn khoăn câu hỏi trên vào những ngày đầu mới chập chững bước chân vào nghề. Đã từng có thời gian muốn bỏ nghề vì dạy như 1 MÁY DẠY (teaching machine). Đã từng có thời gian mất niềm tin vào việc học và dạy ngoại ngữ tại các tổ chức giáo dục tại Việt Nam nói chung.
Nhưng hôm nay mình xin phép chỉ chia sẻ cảm nhận về câu hỏi đầu bài. Vì đây chính là BƯỚC NGOẶT trên con đường tìm ra NGHỀ mà mình có thể LÀM NHƯ CHƠI và là CHIẾC LA BÀN giúp mình định hướng tâm và trí với nghề mỗi khi gặp khó khăn, biến cố.
Mình mong muốn chia sẻ để mọi người có một cách nhìn đúng hơn về những gì mọi người đang làm và từ đó có một sự điều chỉnh, hay lựa chọn hợp lí cần thiết để chúng ta có thể đem lại thật nhiều giá trị và đóng góp vào sự đổi thay trong công cuộc DẠY và HỌC ngoại ngữ tại nơi chúng ta đang công tác nói riêng hoặc tại Việt Nam nói chung.
Bạn có cảm thấy:
- Mỗi ngày đi dạy, là mỗi ngày bạn phải làm việc không?
- Mỗi lần soạn bài, là mỗi lần bạn phải làm việc không?
- Mỗi lần chấm sửa bài cho học viên, là mỗi lần bạn phải làm việc không?
- Mỗi lần dạy lố giờ, học sinh ở lại hỏi bài đến tận 15-20 phút, là mỗi lần bạn phải làm thêm việc không?
- Mỗi lần dạy thêm giờ, kèm thêm cho học sinh, trong bạn có sự mong muốn người khác thấy được, công nhận và tăng lương cho bạn không?
Nếu mỗi lần bạn làm những điều trên đều không thể làm bạn cười, hay ít nhất là dễ chịu thì khả năng rất cao là bạn đang DẠY VÌ TRÁCH NHIÊM.
Your’re teaching out of responsibility! Yes, it’s out of responsibility!
Xin lỗi nhé. Vì chỉ đơn thuần hoàn thành TASKs được yêu cầu trong công việc của mình thôi mà bạn còn không cảm thấy dễ chịu nữa thì làm sao nó xuất phát từ niềm đam mê đc chứ? Phải không nào?
Mình cũng đã từng như thế…
Cá nhân mình đã từng có thời gian cảm thấy cực kì khó chịu khi phải ĐI DẠY MỖI TỐI. Vì người người nhà nhà đi chơi mà mình thì lại phải làm việc, thành ra sinh oán, sinh bực, và khi đến lớp thì chỉ dạy qua loa cho xong, cho về sớm để mình tranh thủ về và ra hang out chém gió với bạn nữa chớ.
Mỗi lần sau giờ học mà có học sinh hỏi gì lâu hơn 5 phút thì sẽ giải thích cho có lệ, và kêu học sinh tự về nhà tìm hiểu thêm, hoặc bữa sau giải thích thêm.
Mỗi lần chấm bài là như mỗi lần chịu cực hình, vì bài vừa dài vừa nhiều, nên cũng chấm qua loa cho có.
Nếu học sinh phạm phải quá nhiều lỗi trong bài thì đâm giận, đâm bực vì đã dạy rồi mà vẫn còn sai. Bữa sau vào phê bình trước lớp nhằm mục đích răn đe các bạn làm bài kĩ hơn để ít sai hơn, để giáo viên chấm nhanh hơn, đỡ mệt hơn, có thời gian đi chơi nhiều hơn haha.
Dần dần, tình hình những lớp mình dạy, không những đi xuống về năng lực và tinh thần học tập, mà còn xuất hiện một hố ngăn cách rất lớn giữa mình với các bạn học viên.
Họ không còn cảm thấy an toàn, thoải mái, vui vẻ khi đi học nữa. Họ ngần ngại, và không dám mở miệng hỏi khi có thắc mắc. Họ đi học vì họ đã đóng tiến. Hết!
Tóm lại, họ không còn cảm thấy hứng thú với tiếng Anh nữa. Chỉ với những hành động tưởng chừng nhỏ nhặt đó thôi, mà mình đã làm triệt tiêu niềm hy vọng, khát khao, và cả niềm tin CÓ THỂ CHINH PHỤC được tiếng Anh của rất nhiều bạn trẻ – thứ ngôn ngữ chưa đầy hy vọng mà có thể sẽ giúp thay đổi cuộc đời họ.
Cũng như rất nhiều người, bản thân mình trong giai đoạn đó đã quên rằng, khi học bất cứ điều gì, người học có học nhanh hay giỏi được hay không – thì 20% là do năng lực và 80% đến từ yếu tố tâm lý. Một học sinh xuất sắc không phải là người giỏi trong việc tiếp thu kiến thức trong lớp. Mà đến từ việc TÌM RA ĐƯỢC ĐỘNG LỰC VÀ NIỀM YÊU THÍCH được truyền tải bởi người dạy trong quá trình học.
Tương tự, là một người giáo viên, bạn cũng chỉ sử dụng khoảng 20% kiến thức chuyên môn khi giảng dạy, 80% còn lại là kiến thức về tâm lý. Điều đó đồng nghĩa, nếu một người giáo viên chỉ đơn thuần sử dụng kiến thức chuyên môn để giảng dạy, thì phần lớn sẽ gặp phải những khó khăn và tình trạng nêu trên, huống chi là đi dạy vì trách nhiệm công việc.
NHƯNG… cho đến một ngày mình nhận ra
Nếu người giáo viên đó đi dạy bằng TÌNH THƯƠNG và NIỀM ĐAM MÊ thì mọi chuyện sẽ khác rất nhiều.
Người thầy người cô đó không những truyền tải kiến thức chuyên môn tốt, mà còn rất tận tụy, kiên nhẫn giúp đỡ khi học sinh phạm lỗi hay theo không kịp kiến thức.
Họ sẽ chấm bài bằng sự tỉ mỉ, tinh thần bảo ban.
Họ sẽ tìm đủ mọi cách để thổi ngọn lửa đam mê, ánh sáng niềm tin, ý niệm vượt qua giới bản thân vào trong từng buổi học, từng lời nhận xét khi chấm bài, từng lời khuyên cho những bạn học chậm.
Họ sẽ chia sẻ và trợ giúp những bạn ở lại hỏi bài như đó là lần cuối cùng họ được đi dạy.
Họ hầu như mất đi khái niệm về thời gian khi mỗi lần có học sinh cần kèm cặp.
Mỗi lần học viên nghỉ học là lòng sẽ bồi hồi, xót xa vì không biết học trò của mình có bị gì không.
Mỗi lần học viên tiến bộ là họ lòng họ tê tái vì sướng như cảm giác trúng giải đặc biệt Vietlot.
Hơn thế nữa, họ còn là những người luôn tìm cách truyền tải những kiến thức phát triển bản thân vào buổi học. Bởi họ biết một điều chắc chắn rằng, GIỎI TIẾNG ANH không làm nên con người THỊNH VƯỢNG và HƯỚNG THIỆN.
Một người có IELTS 8.0 vẫn có thể thất nghiệp.
Một người Nói tiếng Anh thành thạo như người bản xứ vẫn có thể phạm tội.
Một người viết và sáng tác được truyện tiếng Anh với những ngôn từ, câu văn bay bổng, lãng mạn vẫn có thể đau khổ về thể xác và tinh thần mỗi ngày.
Thế nên, những bài học, kỹ năng xung quanh việc xây dựng HẠNH PHÚC HIỆN TẠI cho bản thân, ĐẶT MỤC TIÊU, QUẢN LÝ THỜI GIAN, TỰ TẠO ĐỘNG LỰC, SỐNG THUẬN THEO TỰ NHIÊN luôn được truyền tải và cùng các bạn học viên thực hành trong suốt quá trình học. Không những vậy, họ còn luôn thúc đẩy và khuyến khích TINH THẦN TỰ HỌC, TỰ PHÁT TRIỂN và SỐNG KHỎE thông qua việc đọc sách, tập thể dục mỗi ngày.
Vì họ biết một điều chắc chắn rằng, ngưng học hỏi là TỰ ĐÀO THẢI, ngưng vận động thể chất là TỰ SÁT, ngưng chăm sóc TÂM HỒN là ĐAU KHỔ.
Đó là những điều mình đã và đang làm khi đã ngộ ra được sự khác biệt giữa TEACHING OUT OF RESPONSIBILITY/MONEY và TEACHING OUT OF PASSION and LOVE.
Mình cảm thấy thật may mắn và biết ơn khi tìm được NGHỀ phù hợp và NIỀM ĐAM MÊ cho những gì mình đang làm. Nên, mỗi ngày với mình đều là một niềm vui, một vùng đất mới để khám phá và học hỏi.
Mỗi ngày đến lớp học là mỗi khoảnh khắc ngọn lửa đam mê và hứng khởi của mình như được nung cháy bởi tinh thần, khát khao học hỏi, nhu cầu sử dụng được tiếng Anh thành thạo. Và ước muốn có một cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc, và an lành của học viên.
Mỗi cuối tuần đến CLB tiếng Anh như là được thưởng thức một bộ phim hành động và phiêu lưu. Vừa gây cấn, vừa thú vị, và hồi hộp. Ở đó mình được có thể thoải mái chia sẻ ý kiến, quan điểm của cá nhân về tất tần tật mọi chủ đề bằng tiếng Anh – ngôn ngữ yêu thích của mình. Ở đó mình có thể khám phá và làm quen những con người thú vị khác, đón nhận và học hỏi vô vàn kiến thức, kinh nghiệm và chia sẻ từ họ.
Chẳng biết từ khi nào, mình không còn ý thức rằng mình đang dạy tiếng Anh mỗi ngày nữa. Thay vào đó là chia sẻ, vui chơi, khám phá và học hỏi nó, là giúp đỡ và góp phần xây dựng một cộng đồng, một xã hội hạnh phúc, bền vững, thịnh vượng và bình an hơn.
Mình hy vọng, thông qua bài chia sẻ này, tinh thần yêu thương và ngọn lửa đam mê sẽ có thể lan vào cộng đồng giáo dục của chúng ta nhiều và mạnh mẽ hơn nữa.
Vì giáo dục chính là ánh sáng của nhân loại. Nếu mất đi thứ ánh sáng này hoặc chúng bị yếu đi, chúng ta có thể sẽ mãi chìm ngập trong bóng tối của NGHÈO NÀN, KHỔ ĐAU, SÂN HẬN, và VÔ MINH.
Diệp Gia Phú – English Teacher at Simple English
Mr Phú đã tham dự khóa đào tạo giáo viên được phối hợp bởi Simple English và British International Center.
Bạn muốn trở thành GV tiếng Anh có tâm và có tầm như Mr Phú?