Nghị lực để trở thành một giáo viên giỏi

WILLPOWER TO WALK YOUR PATH

Giáo dục hoàn toàn không phải là con đường dễ đi. Để trở thành một người thầy, người cô có tâm, chuyên nghiệp và hạnh phúc với việc sự nghiệp trồng người, đòi hỏi một cá nhân phải có nghị lực vững vàng để không ngừng học hỏi, phát triển bản thân, và nhất là để đón đầu “bão drama” vốn không còn lạ lẫm với việc nghiệp đi dạy.

Trong bài viết hôm nay, Mr. Bách sẽ chia sẻ đến với mọi người những trải nghiệm của bản thân khi bước đi trên con đường giáo dục, đồng thời hy vọng truyền đến các bạn đam mê công việc này thêm động lực để các bạn có thể vững tin dấn bước.

Rất nhiều người nghĩ đi dạy là công việc nhàn hạ: ngồi trên chỉ việc xuống mà lại lương cao, mở lớp dạy thêm kiến trăm triệu, còn được thiên hạ kính nể. Nhiều người khác lại thấy đi dạy là việc không xứng với đồng lương: nói khản cả cổ, muốn lao phổi luôn mà tiền thì ba cọc ba đồng chả đủ sống, chưa kể còn bị học sinh, phụ huynh ăn hiếp, mắng chửi nữa chớ!!!

Thực ra, những quan sát trên không có gì sai cả, tất cả đều đúng sự thật: sẽ luôn có những giáo viên, trợ giảng chỉ sau vài ba tháng là gục ngã vì quá “mợt mỏi với thế giới”, nhưng cũng có những giáo viên thành công vang dội, trở nên nổi tiếng, kiếm tiền như nước. Thực tế thì, ngành nghề nào mà chả vậy các bạn nhỉ? Dù bạn làm sales, làm quảng cáo, làm kỹ sư hay kinh doanh tự do, sẽ luôn có người nên danh và có kẻ thất bại. Giáo dục cũng không là ngoại lệ.

Để vững bước trên con đường làm giáo dục, cái chúng ta cần ở đây không phải là sự so sánh giữa những cá nhân mà mình “thấy” xung quanh, vì cái thấy này còn cạn cợt lắm. Có thể bạn quen cả trăm giáo viên trong thành phố, nhưng còn hàng nghìn nhà giáo trong nước, hàng triệu thầy cô trên khắp thế giới thì sao? Thậm chí những báo cáo quốc tế về giáo dục còn chưa chắc bao quát hết sự thật cơ mà!

Cái mình thực sự cần chính là NGHỊ LỰC các bạn ạ. Có nghị lực sắt đá, bạn sẽ có đủ động lực để học tập, rèn luyện một cách bền bỉ để trở thành một giáo viên chuyên nghiệp thực thụ. Vậy làm sao để có nghị lực đây?
Đọc theo cuốn “Rèn nghị lực để lập thân” của cụ Nguyễn Hiến Lê thì nghị lực do 3 năng lực tinh thần hợp thành:
– Suy nghĩ
– Quyết định
– Thực hành

1. Suy nghĩ:

Bước đầu tiên hết là trong đầu chúng ta phải có suy nghĩ “MUỐN” trước đã.

Sẽ có rất nhiều cái “muốn” đưa chúng ta đến với việc giảng dạy (làm thêm, kiếm tiền, trải nghiệm,…), đa phần trong số này là động lực ngắn hạn. Nhưng cái giữ chúng ta lại với nghiệp đi dạy chính là những cái “muốn” cao đẹp: muốn tìm được niềm vui hàng ngày, muốn thấy được nụ cười của học trò, muốn được hạnh phúc khi thấy học trò mình thành công, tiến bộ, muốn đem khả năng của mình chia sẻ đến mọi người,… đây chính là những động lực bền vững, giúp duy trì ngọn lửa đam mê trong mỗi chúng ta.

Bản thân Mr. Bách đến với việc đi dạy khởi nguồn từ 2 cái muốn: có thu nhập và niềm vui. Qua thời gian đi làm, Mr. Bách dần dần chẳng để ý đến lương nữa, vì chỉ cần lên lớp thôi là niềm vui trong người dâng lên ào ạt, nỗi buồn bay biến đâu hết. Dần dần thành “nghiện” cảm xúc, lâu lâu không đi dạy là trong người bứt rứt khó chịu lắm, đi ngang qua lớp các thầy cô khác, thấy học vui quá trời là cứ phải ló đầu vô dòm cho đỡ ghiền!

Vậy nên, muốn được trở thành giáo viên chính là bạn đã bước bước chân đầu tiên trên con đường giáo dục rồi đó. Nếu trong lòng bạn cảm thấy vui khi chia sẻ kiến thức cho mọi người, nếu bạn hạnh phúc khi được dạy dỗ mấy đứa nhóc con dì chú bác nhà hàng xóm, nếu bạn thấy thôi thúc muốn cho học trò mình một lớp học sâu sắc,… thì khá chắc là bạn có duyên với đi dạy rồi ha

Xem thêm >> KEEPING THE FIRE OF PASSION – Giữ Lửa Đam Mê

2. Quyết định

Khi đã muốn rồi thì bước tiếp theo là QUYẾT ĐỊNH.

Đây cũng là lúc mà chúng ta dễ dàng bị những tác nhân bên ngoài làm nhụt chí nhất. Mr. Bách đã thấy rất nhiều bạn (và chính bản thân Mr. Bách nữa), dù rất khát khao, rất muốn đi theo con đường giáo dục, nhưng khi chuẩn bị dứt khoát thì vô vàn cản trở “tự nhiên” ập tới: sợ bỏ việc cũ không có tiền sống, xin việc không được nhận, gia đình, người thân ngăn cản, chỉ trích, bị ai đó chê là dạy dở hoặc tự so sánh mình rồi run sợ.

Thực ra, đây chính là cách cuộc đời thử thách chúng ta đấy các bạn ạ. Nếu bạn không đủ bền chí, không đủ quyết đoán để đưa ra quyết định và bám theo nó đến cùng, thì tức là mình đã “tạch” bài kiểm tra này rồi. Mà đời “dai” lắm nha, không vượt qua được thì sớm muộn các bạn sẽ phải đụng lại bài kiểm tra y vậy, với những khó khăn còn cam go hơn ở những lãnh vực khác.

Bỏ việc cũ có chết đói không nhỉ? Câu trả lời là không nha, thời nay chết đói khó lắm! Chưa kể bạn có tiếng Anh (Mr. Bách assume là muốn đi dạy là phải giỏi tiếng Anh rồi nha), có chí, có niềm tin tích cực, thì trước sau gì cũng có việc để làm. Có thể mình sẽ thiếu trước hụt sau, phải xin tiền gia đình một chút, nhưng khi đã giỏi lên rồi thì không lo về tài chính nữa.

Hoặc bạn nào khó khăn hơn, có thể làm song hành 2 việc cùng lúc, lấy việc full time nuôi giấc mơ, hơi cực, nhưng còn trẻ mà không chịu cực thì còn gì là tuổi trẻ nhỉ? Trong lớp tiếng Anh giao tiếp của Mr. Bách hồi giữa năm có bạn Nini làm kế toán, rất thích đi dạy, ban đầu bạn còn lo sợ, nhưng vẫn quyết tâm theo đuổi ước mơ, tối xin đi làm trợ giảng cho Mr. Bách, học được gì về dạy lại cho cháu ở nhà, dần dần bạn giỏi lên và trở thành một trợ giảng giỏi của Simple English, nay mai là đã có thể bắt tay vào training để dạy chính. Thật đáng học hỏi!

Xin việc thất bại thì sao? Chả sao cả, cứ tiếp tục apply, tiếp tục tìm kiếm cơ hội, chính những lần xin việc thất bại là kinh nghiệm quý báu để lần sau mình làm tốt hơn. Không chỉ trong việc đi dạy, mà nếu sau này các bạn làm quản lý, tự mở business, thì học tập hoặc cải thiện từ những bài học tuyển dụng mà mình đã trải qua.

Chưa kể đi phỏng vấn nhiều có kinh nghiệm, mai mốt về chỉ cho học trò, wow lắm nhé! Trong group Tự học làm giáo viên tiếng Anh của Mr. Bách, có một anh đã trên 30, bỏ học lớp 9, phải học giáo dục thường xuyên, nhưng anh đã dứt khoát là mình phải trở thành giáo viên tiếng Anh, và thế là anh học hỏi không ngừng. Hoặc như trong công ty Mr. Bách làm, có 2 cô là cô Sa và cô Trang, cô nào cũng tên 30, nhưng nhiệt huyết đi dạy thì luôn tỏa sáng. Họ thật đáng khâm phục!

Thấy mình dở, thấy mình không có “tố chất” như con nhà người ta thì sao? Thì có nghĩa là mình đi đường dài hơn họ, nhưng đường nào rồi cũng đến La Mã (All roads lead to Rome), bạn có đi chậm nhưng miễn có đi là được, đừng so sánh với thiên hạ. Và nếu chúng ta nhìn kỹ thì, giỏi cỡ nào cũng có sư phụ. Đến Mạnh Tử, Gia Cát Lượng còn phải cúi đầu khi gặp thầy mình kia mà. Nên chẳng có gì phải lo cả, mình chưa giỏi, tức là mình còn cái phải học, đó chẳng phải là điều tuyệt vời sao?

Tới cái khó nhất: gia đình ngăn cản. Đa phần, gia đình cản trở chúng ta là do họ muốn mình được hạnh phúc theo quan điểm của họ. Cha mẹ nghĩ là con mình phải dùng tấm bằng đại học thì mới ổn định, mới “lạc nghiệp” được, nên làm trái ngành thì không cho, hoặc anh chị em thấy đi dạy cực khổ mà chẳng được gì,…

Chuyện này thời nay quả thực là không có gì lạ, Mr. Bách thấy nhiều riết quen luôn rồi! Vậy làm cách nào để chúng ta có thể vượt thoát được “gông cùm” gia đình đây?

Nhiều bạn sẽ chọn cách nổi loạn, cứng rắn đối đầu với gia đình, bạn thì chọn ngoan ngoãn nghe theo nhà, chôn đi ước mơ của mình để làm theo cha mẹ. Theo Mr. Bách, cả 2 cách này đều đi vào 2 thái cực, kiểu như gặp hòn đá chắn đường, người thì châm bom cho nổ banh luôn, cách này thì nhanh, hiệu quả tức thì nhưng gây tổn thương cho nhiều người, kể cả mình, còn chấp nhận quay đầu thì thôi, miễn bàn!

Cách tốt nhất đó là hãy thật hạnh phúc và bình an với con đường của mình. Hãy lan tỏa niềm vui nhiều đến nỗi, mọi người xung quanh bạn không còn lựa chọn nào khác là phải vui chung với bạn.

Những ngày đầu gặp phải sự ngăn cản của mẹ, phản ứng của Mr. Bách rất dữ dội, dù có hết hy vọng cỡ nào cũng cắn răng phản lại. Nhưng sau này, khi đã bình an hơn, Mr. Bách chọn cách tỏa ra thật nhiều hạnh phúc, ngày nào đi dạy về cũng cười thật tươi, kể chuyện lớp, chụp hình lớp, quay video lớp khoe,… ban đầu mẹ Mr. Bách còn xùy xùy, tìm cách chê này nọ, nhưng 1 năm sau thì ủng hộ hết mình.

Chúng ta sẽ luôn phải đương đầu với khó khăn, nhưng hãy vui lên các bạn, chính trở ngại là cái nôi nuôi ta lớn. Đừng đi đường dễ, lựa chỗ khó mà đi, khi đã trâu bò rồi thì lúc đưa ra quyết định sẽ dễ ẹt, thường trong đầu mình sẽ có cảm giác giống như ai bật cầu dao cái “rụp”! vậy đó các bạn. Tự nhiên thấy phấn chấn lạ lùng, có thể dấn thân đi theo điều mình muốn mà không hề sợ gì. Mong rằng các bạn sẽ sớm tìm được sự quyết đoán của mình nhé!

Xem thêm >> Đừng Chọn Đi Dạy Tiếng Anh Chỉ Vì Bạn Muốn Sự An Toàn

3. Hành động

Thực ra HÀNH ĐỘNG không có gì khó khi các bạn đã MUỐN và QUYẾT ĐỊNH

Có chăng chỉ là chúng ta chưa biết mình có nhiều options để rèn luyện năng lực giảng dạy mà thôi. Mr. Bách sẽ chia sẻ những cách mà Mr. Bách thấy rất hay nhé:

– Đi làm trợ giảng: xin chỗ lớn không được thì xin chỗ nhỏ, trung tâm không được thì xin vào trường tư (đừng xin vào trường công chi cho mợt), đừng chấp vào danh tiếng (hồi xưa Mr. Bách cứ phải khăng khăng làm ở ILA mới chịu, xàm thiệt!), làm trợ giảng cho độ tuổi nào cũng có rất nhiều cái hay để học. Làm trợ giảng có nhiều cái lợi lắm, được quan sát giáo viên dạy giỏi dạy dở ra sao được tiếp xúc với môi trường giảng dạy, được tận tay giải quyết các tình huống để lên năng lực

– Mở lớp dạy miễn phí hoặc đi dạy từ thiện/tình nguyện: đây là cơ hội cực tốt để chúng ta rèn luyện đức tính cho đi không cần nhận lại, dạy vì tấm lòng chứ không vì đồng tiền. Có giai đoạn thất nghiệp là Mr. Bách đi dạy miễn phí cho các bạn thanh niên, cảm thấy hạnh phúc lắm

– Đi làm trợ tá cho các giáo viên giỏi: nếu bạn quen biết giáo viên giỏi, hãy tranh thủ xin đi học việc, không công luôn cho máu. Cơ hội học siêu tốt đấy

– Đăng ký học các lớp TESOL, CETA, sư phạm để trau dồi năng lực chuyên môn: cách này hơi tốn kém nhưng official

– Đọc và xem các video của các giáo viên/diễn giả nổi tiếng: AJ Hoge, Mister Duncan, Dan Hauer (ổng drama nhưng mà kiến thức thì không chối cãi là hay thật), Rachel’s English, TEDed,…

– Tham gia vào Group Tự học làm giáo viên tiếng Anh và theo dõi kênh Youtube của Mr. Bách Hahaha!

Có thể xem thêm bài viết hành trang của một nhà giáo

Chốt lại, để có ý chí trở thành một giáo viên chuyên nghiệp, chúng ta cần MUỐN, sau đó QUYẾT ĐỊNH và bắt tay vào HÀNH ĐỘNG.

Làm đủ 3 bước, và vừa đi vừa đương đầu với khó khăn, thì tức là mình đang đi đúng đường rồi đó các bạn ạ. Hãy cứ vững vàng tiếp bước. Mr. Bách tin rằng bạn sẽ hạnh phúc với công việc giáo dục nếu đó là lựa chọn của bạn.

Education is the only job in there world where there’s no “give and take”, only “give and give”

Là trung tâm chuyên đào tạo Giáo viên Tiếng Anh Chuyên nghiệp và Cấp chứng chỉ dạy tiếng Anh TESOL tại Việt Nam.

Với khóa học TESOL Premium dành cho những học viên có mong muốn cải thiện khả năng giảng dạy và tiếp xúc với những kiến thức, phương pháp dạy học tiên tiến và hiệu quả. Không chỉ chú trọng vào chất lượng giảng dạy và kết quả thực sự.

Chúng tôi còn đặt tâm vào sự phát triển về cảm xúc lẫn tinh thần của học viên. Để mỗi học viên tốt nghiệp sẽ trở thành một giáo viên Tiếng Anh có TÂM – TẦM – TÀI.

Chúng tôi hi vọng sẽ đóng góp cho sự phát triển tích cực của bạn – một giáo viên Tiếng Anh chuyên nghiệp thực thụ nói riêng cũng như việc dạy và học Tiếng Anh ở Việt Nam nói chung.