Một trong những khía cạnh ít được đề cập đến của việc học thạc sĩ, theo Mr. Bách, là quá trình ứng dụng kiến thức sau tốt nghiệp vào thực tiễn công việc. Tính ra, đây mới là phần quan trọng nhất của việc học, vì nó cho chúng ta thấy được mình đã thực sự tiếp thu và đúc kết được những gì, nâng tầm của mình lên được bao nhiêu sau quá trình học cao học kéo dài hơn 2 năm.
Trong bài viết này, Mr. Bách sẽ tự đánh giá lại hiệu quả của quá trình học master của bản thân, để đưa ra những nhận định khách quan nhất, giúp các bạn hiểu thêm về việc học lên thạc sĩ nhé.
Tính đến thời điểm hiện tại là đã hơn nửa năm kể từ lúc Mr. Bách hoàn thành chương trình Thạc sĩ giáo dục tại Đại học Concordia University, Hoa Kỳ. Sau khi ngồi xét lại 2 năm “đèn sách” (đèn màn hình, sách phô-tô), Mr. Bách nhận thấy việc học đem lại những lợi ích lớn sau:
– Hệ thống hoá kiến thức và cho ra được cơ sở lý thuyết của những phương pháp, kỹ thuật giảng dạy trước giờ mình vẫn dùng. Đây là điều rất quan trọng, vì dạy hay thôi chưa đủ, một giáo viên-nhà giáo còn phải lý giải được vì sao mình chọn cách dạy này, đã có nghiên cứu khoa học nào “chống lưng” cho, có đáng tin cậy hay không. Ngoài ra, việc hệ thống hoá này còn giúp chúng ta sắp xếp lại những kinh nghiệm thu nhặt được trong quá trình đi làm, vốn bị tản mác, thành một triết lý giảng dạy của riêng mình. Một ví dụ điển hình là hồi trước Mr. Bách chưa có cho mình phương pháp dạy ngữ pháp thống nhất, nhưng sau khi “tu luyện” môn Linguistic (Ngôn ngữ học) thì Mr. Bách đã “sáng” ra được cả một hệ thống dạy-học ngữ pháp tiếng Anh đi từ những đơn vị khởi nguồn của ngôn ngữ và đúc kết ra được phương pháp TRUE Grammar cho chương trình IELTS Power Up.
– Cập nhật xu hướng giảng dạy mới, cắt bỏ xu hướng đã lỗi thời. Đây là một trong những mục tiêu hàng đầu mà Mr. Bách đặt ra cho bản thân mình khi bắt tay vào học master: bằng mọi cách phải cọ xát, tìm hiểu xem ở các nước tiên tiến nói tiếng Anh, họ đang dạy ngôn ngữ của họ thế nào, cộng đồng khoa học đang đi theo xu thế nào, có những nghiên cứu nào đang được “trending” và chú tâm. Nhìn lại thì Mr. Bách khá là hài lòng về mảng này, rất nhiều những cập nhật, thay đổi đã, đang và sẽ được áp dụng vào chương trình đào tạo giáo viên TESOL, giúp khoá học bớt đi những kiến thức cũ, trở nên tân tiến và đậm chất học thuật hơn.
– Nuôi dưỡng tinh thần tự học. Một điều Mr. Bách rất ngưỡng mộ từ trường Concordia University của mình chính là nhà trường bồi dưỡng tôn chỉ “life long learning” và “practicality” cho sinh viên rất hay. Các professors và môn học đều mở ra rất nhiều đường hướng nghiên cứu tuỳ theo định hướng công việc của mỗi cá nhân. Đến cả môn Mr. Bách ghét nhất là Research Method (phương pháp nghiên cứu), cũng đã đặt nền móng cho việc phát triển nên phương pháp luyện nói SWITCH ở lớp IELTS bây giờ, ảo ma chưa! Hay một cái nữa là trường muốn sinh viên phải ứng dụng được kiến thức vào ngay chỗ mình làm, chứ không cần phải nghiên cứu đăng báo đâu sâu xa. Trong bài tập từ “day 1” đến luận văn, Mr. Bách toàn lôi học trò với trung tâm của mình ra “thí nghiệm”, cũng từ đây mà một loạt các phương pháp dạy Nghe, dạy Đọc, PAW dạy Viết, học từ vựng,… được hoàn thiện.
Kết lại, Mr. Bách cảm thấy tôn chỉ của mình về việc học là hoàn toàn đúng đắn: Hãy làm trước khi học và làm trong lúc học. Việc học tự bản thân nó chưa đủ, cần thêm chúng ta “xắn áo dấn thân” thì mới có thể toàn diện. Vậy là, nếu các bạn muốn đạt được hiệu quả cao nhất từ việc học lên cao, hãy bắt tay vào lao động thật hăng say và tích lũy cho mình thật nhiều kinh nghiệm nhé!