Contents
OVERCOME YOUR FEAR OF BEING JUDGED – Vượt qua nỗi sợ bị phán xét
Các bạn ơi, khi bước lên bục giảng, giáo viên chúng ta là đối tượng “được” soi dữ dội nhất. Có khi còn ghê hơn ca sĩ lên sân khấu nữa, vì cùng một lúc mà có đến hơn 10 cặp mắt (trong trường phổ thông là 30-50 cặp) nhìn chằm chằm từng cử chỉ của mình. Nên chuyện chúng ta bị học trò (dù ở độ tuổi nào đi nữa) phán xét là chuyện BÌNH THƯỜNG và SẼ LUÔN LUÔN XẢY RA!
Nhất quỷ – nhì ma – thứ ba học trò…
Trẻ em thì sẽ có những nhận xét rất ngây ngô kiểu như “Thầy/cô mặc đồ xấu quá à!”, “Thầy/cô mập bụng bự kìa ahihi”, “Cô chơi ăn gian!!!”, “Thôi con thích học với thầy khác hơn”, “Ủa sao thầy không biết? Thầy dở hơn ba con rồi!!!”
Thanh niên thì đánh giá kiểu khác: “Ủa sao thầy/cô dạy phát âm khác kênh Youtube này quá vậy?”, “Chòi mà hình như thầy bị gay, hí hí”, “Tại ba má em bắt học thôi chứ em cũng chả thích gì học tiếng Anh đâu cô ơi~”
Người lớn đi làm lại khắt khe theo cách khác: “Sao nhìn cô nhỏ con quá vậy ta, không biết tin được không”, “Mỗi lần lên lớp học đuối quá cô ơi, đi làm về mệt nên cô đừng kêu nhiều”, “Chị lớn tuổi mà sao thầy cứ kêu trả lời hoài, sai kỳ lắm, “chiếu tướng” chị phải không?”, “Ủa sao lớp học gì mà vui quá vậy, người lớn chứ đâu phải con nít?”…
Bạn có thể làm gì khi bị chiếu bí?
Khi bị đánh giá, chắc chắn ai cũng sẽ cảm thấy tổn thương, buồn, giận và sinh ra cảm xúc không tốt với người đã đánh giá mình. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể vượt qua “hàng rào” cảm xúc này đây?
Sau đây là câu trả lời cho các bạn, đúc kết từ kinh nghiệm cá nhân của Mr. Bách, từ sách về cảm xúc và từ anh Trần Trinh Tường, Founder của Simple English:
1. Bạn cần có quan điểm đúng (having the right view):
Những lời nhận xét, đánh giá của học trò là CỰC KỲ QUAN TRỌNG để chúng ta có thể cải thiện bản thân mình hơn. Bạn đừng chống đối và ghét bỏ lời nhận xét (dù người nhận xét ta còn thiếu tinh tế, thiếu dễ thương nên lời nói có khi “gai góc”, khó nghe).
Hãy học cách trân trọng, ôm lấy chúng, và tập biết ơn học trò mình vì đã nói ra (dù không nói trực tiếp với mình).
2. Tập mở lòng yêu thương học trò (cultivate love and compassion):
Với người thầy, người cô, tâm yêu thương là món quà rất lớn để chúng ta trao đi, nên hãy tập yêu thương học trò của mình, dù “chúng nó” có lỡ buông lời đớn đau cho mình. Các bạn có thể thực tập các phương pháp sau để luyện khả năng yêu thương cho bản thân:
- Tập ghi ra 5-10 điều đáng yêu, hoặc điểm tốt của đứa học trò khó ưa nhất, hoặc học trò vừa làm cho bạn buồn hôm nay
- Tập mỉm cười và cảm ơn chân thành với lời nhận xét của học trò (có thể làm tại chỗ ngay khi vừa nhận feedback, hoặc về nhà nhắn tin).
VD: Cảm ơn Trang rất nhiều, vì đã chia sẻ rất chân thành với thầy/cô. Thầy/cô rất biết ơn em, thầy/cô chắc chắn sẽ nỗ lực hết mình để làm tốt hơn. À, và nếu Trang còn khó chịu gì thì cứ nói với thầy/cô nha, thầy cô luôn sẵn sang lắng nghe đây ^_^
3. Tập tìm đến lời nhận xét trước khi nó tìm đến mình (being pre-emptive and proactive):
Cái này gọi là “đánh phủ đầu”. Sau mỗi buổi học, hoặc khi cảm nhận thấy bài học hôm nay không “chất”, không “wow”, các bạn hãy chủ động hỏi cả lớp hoặc hỏi riêng 1 vài bạn chủ chốt trong lớp xem các bạn thấy bài học hôm nay thế nào? Vui? Chán? Thầy cô có thể làm gì để bài học vui hơn? Điều gì bạn thích/không thích ở thầy cô?
Và tin Mr. Bách đi các bạn, đây là cách cực kỳ tốt để các bạn cải thiện bản thân mình, dù là trong bất kỳ lĩnh vực nào. Try it! And you’ll love it!
4. Tập bình an trong nội tâm (inner peace):
Lời khen, chê là tác nhân từ bên ngoài. Nó làm chúng ta xao động bởi vì tâm của mình còn chưa an, thiếu sự tĩnh lặng để tiếp nhận nó một cách bình thản. Nên hở ra “bị nói” là chúng ta sẽ dễ giận dữ, buồn bã. Để rèn luyện sự bình an, các bạn hãy:
- Tiếp xúc với những điều tích cực như thiên nhiên, sách hay, thầy giỏi, bạn tốt. Tránh những điều tiêu cực như tin lá cải, ăn nhậu, bạn bè hay buôn chuyện nhảm.
- Tập ngồi yên tĩnh lặng mỗi ngày 10-45’, để lắng cảm xúc xuống
Kết lại:
Với vai trò là người thầy, chúng ta sẽ liên tục nhận những lời khen-chê. Các bạn đừng lo lắng, buồn phiền hay giận dữ nhé! Đó là động lực để chúng ta “tu sửa” bản thân mình đó.
Hãy mỉm cười bình an, ôm lấy những lời chia sẻ ấy, ôm luôn cả học trò của mình vào lòng, để mỗi ngày đến lớp là một món quà, cho chính bản thân và cho học trò của chúng ta!