Cách kiểm soát thời gian trong giảng dạy

Kiểm soát thời gian trong tiết dạy luôn là chướng ngại khá lớn khiến mỗi giáo viên chúng ta cảm thấy đau đầu. Nỗi sợ không đủ thời gian cho tiết dạy, nỗi sợ ‘cháy giáo án’ luôn là sự ám ảnh của chúng ta trong quá trình giảng dạy. Vậy làm sao để kiểm soát thời gian hiệu quả và làm chủ thời gian lớp học tốt hơn?

Sau đây là 4 mẹo (tips) của Mr.Lộc về kiểm soát thời gian đứng lớp được đúc kết từ nhiều năm giảng dạy. Hi vọng rằng có thể giúp bạn vượt qua những nỗi ‘đau không tên’ ấy nhé.

1. Kiểm soát thời gian bằng giáo án (lesson plan)

Đôi khi bạn nghĩ giáo án chỉ để nộp hay để xem cho ngầu thì có lẽ bạn chưa hiểu được tầm quan trọng của nói. Dựa vào giáo án, bạn có thể kiểm soát nhiều thứ như mục tiêu tiết học (outcome), dòng chảy bài giảng (flow), tiến trình bài giảng (process) thì một phần rất hữu ích của giáo án là kiểm soát thời gian.

Để kiểm soát thời gian trong giáo án, bạn cần chia thời gian trong từng phần của giáo án càng chi tiết càng tốt.

Ví dụ: Hoạt động khởi động (warm up activity) sẽ chiếm 7 phút, trong hoạt động khởi động bạn dùng 7 từ/câu, thì khoảng thời gian tương tác cho từng câu sẽ chiếm 1 phút. Vậy nếu 1 từ/câu dùng nhiều hơn số phút đó, bạn phải gia tăng tốc độ cho các câu còn lại để kịp thời gian.

2. Kiểm soát bằng đồng hồ

Cách đơn giản nhất vẫn là cách tối ưu nhất. Dựa vào sự cân đo đong đếm có sẵn trong giáo án mà bạn có thể kiểm soát thời gian hiệu quả bằng đồng hồ.

Bạn có thể lựa chọn đồng hồ đeo tay, đồng hồ treo tường, đồng hồ trên điện thoại hay đồng hồ trên máy tính (laptop) hay ngay cả đồng hồ trong powerpoint lúc trình chiếu. Điều quan trọng là bạn cần làm quen với cách quản lý thời gian và phải theo sát nó. Nếu bản thân có tâm lý rằng, dạy tiết này không kịp thì tiết sau có thể dạy tiếp hay tương tự thì ‘cháy’ giáo án trên ‘diện rộng’ là điều khó tránh khỏi.

3. Kiểm soát thời gian bằng hoạt động dự phòng (back-up activity)

Bạn cần biết hoạt động dự phòng (back-up activity) là gì trước khi nói đến tác dụng của nó trong quản lý thời gian. Hoạt động dự phòng là hoạt động có thể bỏ đi (skip) nếu không có thời gian, hoặc là hoạt động thêm vào (filler) nếu còn dư thời gian.

Thường hoạt động dự phòng trong bài học chính sẽ là phần thảo luận (discussion), thay vì làm trực tiếp trên lớp, phần thảo luận có thể giao cho học viên tự trả lời ở nhà hoặc có thể bàn luận với đội (team) sau tiết học. Nhưng cần chắc rằng các câu hỏi thảo luận sẽ được tiến hành ở tiết sau để tránh việc giao về nhà nhưng học viên không làm.

Hoạt động dự phòng thêm vào (filler) thường là những hoạt động ôn lại bài đã học (revision) hoặc các hoạt động đẩy năng lượng lên cao. Thông thường các hoạt động được chọn để thêm vào là những hoạt động ít tốn thời gian chuẩn bị (less preparation activity) hoặc rất đơn giản.

4. Kiểm soát thời gian bằng việc giới hạn thời gian (time limit) và đếm ngược thời gian (time countdown)

Thông thường, chúng ta tốn thời gian cho học viên nhiều vì chúng ta không giới hạn thời gian tương tác của học viên. Nên quỹ thời gian của học viên thường dư dả so với yêu cầu của chúng ta. Những phần dư thừa thường không được trân trọng. Vì vậy các thầy cô nên thử việc cho học viên ít thời gian hơn thời gian cần thiết cho hoạt động đó, điều đó phần nào thúc đẩy tốc độ cũng như hiệu quả của các hoạt động đội nhóm.

Nhưng phải đảm bảo là học viên đã nắm các phần yêu cầu (task) cần làm một cách rõ ràng trước khi giới hạn thời gian. Khi đưa giới hạn thời gian cần thông báo rõ ràng khoảng thời gian học viên được phép tương tác trong từng yêu cầu.

Đếm ngược thời gian (time countdown) để học viên biết thời lượng còn lại để tóm ý, phân chia công việc hiệu quả cho bản thân và đội, nhóm.

Hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp được ít nhiều các bạn trong quản lý thời gian trên lớp.

Thông tin tác giả

Thầy Bùi Phước Lộc

TESOL Trainer at TESOL Simple Education

Xem thêm bài viết