[Q&A] Làm gì khi trẻ không hợp tác và mất tập trung?

Q: Hiện tại em đang dạy tiếng Anh cho các bé thiếu nhi. Đôi lúc các bé không chịu hợp tác, bị động, không chịu mở miệng ra đọc, không làm bài về nhà, không tập trung, …, Phụ huynh thì có người chẳng bảo ban con, các bé thì học với mình tuần chỉ có 4 tiếng đồng hồ, làm sao mà các con tiến bộ nhanh được. Trong khi phía phụ huynh thì lại mong con mình lấy bằng, chứng chỉ này nọ, và khi thấy con mình chưa tiến bộ theo con mắt quan sát của họ, họ cho con nghỉ.

Thật sự em rất buồn, áp lực, em cũng biết mình cũng có trách nhiệm, mình phải dạy thiếu cái gì đó nên các bé mới như vậy, nhưng em vẫn buồn, nản. Mong các thầy, cô có kinh nghiệm, chia sẻ cho em cách kiềm chế tự buồn, tức, và vẫn giữ được bình tĩnh ạ và có cách nào để các bé ham thích, tự giác về nhà ôn bài. Cám ơn quý thầy, cô.

——-

A: Chào bạn, trước hết thầy muốn chia sẻ rằng thầy rất thông cảm và đồng cảm với cảm xúc của bạn khi gặp phải trở ngại như trên. Buồn, và áp lực là tâm trạng mà bất kỳ một giáo viên yêu nghề nào cũng phải trải qua hết, vì họ đều khao khát rằng học trò của mình sẽ thành công, nên đừng quá tự ti khi có những cảm xúc như thế.

Tuy nhiên, đừng giữ nó mãi trong lòng, vì nguồn năng lượng tiêu cực này sẽ dễ bị lây sang đồng nghiệp, phụ huynh và học trò của mình lắm.Vậy thì khi đó lớp học sẽ càng ngày càng chán hơn, nản hơn, và buồn hơn, ảnh hưởng rất nhiều đề việc học của các bé.

Vậy nên bạn hãy chuyển hóa nó thành nguồn năng lượng tích cực, bằng cách lấy nỗi buồn đó trở thành động lực để hoàn thiện hơn các kỹ năng liên quan đến công việc của mình nè.

Rồi, vậy thì đi vào vấn đề thực tiễn, chúng ta phải làm gì với tình huống như trên đây?

1. Hiểu biết về tâm lý lứa tuổi

Đầu tiên, với các bé, chúng ta đều biết các bé còn nhỏ, còn hiếu động và không phải bé nào cũng ngoan và vâng lời cả. Ngay cả người lớn có khi đi học còn không nghe lời nữa mà. Vậy nên chủ yếu bạn phải chuẩn bị cho mình những biện pháp răn đe, và phạt các bé như thế nào cho phù hợp khi các bé không vâng lời.

Ví dụ:

Phạt bé đứng khi bé mắc lỗi chạy nhảy linh tinh. Việc đứng một mình sẽ giúp trẻ bình tâm và bắt đầu suy nghĩ về sai lầm của mình. Cách phạt trẻ này không gây tổn thương cho trẻ, lại đánh trúng vào tâm lý, sẽ hữu ích hơn rất nhiều việc quát mắng hay đánh con.

Phạt bé ngồi một chỗ khi bé mắc lỗi cãi nhau, đánh nhau với bạn bè. Khoảng thời gian yên tĩnh một mình sẽ giúp trẻ bình tĩnh lại và nhận ra sai lầm của mình. Sau khoảng thời gian ngồi phạt, bạn hãy vào và phân tích đúng sai cho bé một cách nhẹ nhàng.

Phạt bé đọc sách và chép phạt khi bé mắc lỗi thích dùng bạo lực, nói dối, lấy đồ của người khác. Khi trẻ mắc những lỗi này, nghĩa là bé bạn đang rất gần với ranh giới của một đứa trẻ hư. Hãy yêu cầu bé phải đọc hết một cuốn sách mà bạn chọn, thường là những cuốn sách mang tính chất giáo dục. Sau đó bé phải chép phạt 1 câu hoặc 1 đoạn ý nghĩa nào đó trong cuốn sách.

Cấm làm thứ trẻ thích bé không đánh răng, kén ăn, vứt đồ linh tinh… Bạn nên áp dụng hình thức phạt này để bé hiểu rằng, khi bé không hoàn thành nhiệm vụ và trách nhiệm của mình, thì bé cũng không được phép làm những điều mình thích. Hãy phạt cho đến khi nào bé có ý thức hoàn thành công việc của mình.

Tịch thu những món đồ yêu thích khi bé mắc lỗi vứt đồ lung tung, không thu đồ chơi sau khi chơi xong. Hãy áp dụng cách phạt trẻ này để bé biết rằng, những món đồ mình yêu thích thì phải biết giữ gìn và nâng niu. Nếu bé không biết giữ gìn thì bé cũng không được phép chơi những món đồ đó.

Xem thêm >> Làm Sao Để Dạy Ngữ Pháp Thú Vị Hơn?

2. Giao tiếp với phụ huynh học sinh

Tiếp theo, với phụ huynh, việc quan trọng nhất đó chính là sự giao tiếp.

Phụ huynh đa phần sẽ không có kiến thức chuyên môn như giáo viên, cho nên rất dễ hiểu khi các bậc cha mẹ lo lắng và sốt ruột khi con mình không phát triển như họ mong muốn. Là giáo viên, bạn cần phải trang bị cho mình đủ kiến thức chuyên môn, và chủ động làm công tác tư tưởng với phụ huynh ngay từ đầu.

Ví dụ như bé cần bao lâu để đạt được trình độ A, B, C; bé cần học bao lâu để đạt được bằng A, B, C; phụ huynh cần làm gì với bé ở nhà để bé đạt được level A, B, C.

Khi bạn cho phụ huynh một mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng như thế ngay từ đầu, họ sẽ đồng hội đồng thuyền với bạn và sẽ hỗ trợ rất nhiều trong quá trình học của các bé.

Những việc như làm bài tập về nhà sẽ được các bậc cha mẹ giúp mình giám sát các bé.

Hơn thế nữa, để đảm bảo rằng các bậc phụ huynh không có đánh giá dựa trên “con mắt quan sát của họ”, bạn cần phải ghi chép và lưu lại quá trình học tập của các bé thông qua số liệu.

Ví dụ như tháng đầu tiên, bé làm được đúng 5/10 câu hỏi, qua tháng sau bé làm đúng được 6/10 câu hỏi, qua tháng sau bé cũng làm được 6/10 câu hỏi mà làm nhanh hơn tháng trước.

Nói một cách ngắn gọn, để các phụ huynh không đánh giá cảm tính, chúng ta cần phải có số liệu rõ ràng để chứng minh cho họ thấy nè.

3. Học thêm kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm dạy học

Cuối cùng, bản thân giáo viên phải làm như thế nào để kiểm soát cảm xúc của mình?

Không có cách nào khác là nâng cao kiến thức chuyên môn của mình và tiếp thu thêm kinh nghiệm.

Đa phần các bạn cảm thấy tức giận, buồn bã một cách không kiểm soát như vậy là do mình chưa hiểu hết được vấn đề ở đâu mà mọi thứ lại không xảy ra theo hướng mình muốn.

Mình không hiểu tại sao ba mẹ lại cho con nghỉ học ngang như vậy? Mình không hiểu tại sao có bé vận dụng được kiến thức, còn bé khác lại không?

Thì khi mà hiểu được là “À, các phụ huynh cho con nghỉ vì họ chưa hiểu là để lấy được bằng này cần phải học ít nhất tầm 6 hay 9 tháng, vậy lần sau mình phải giải thích cho họ trước để họ hiểu”.

Hoặc là “À, một vài bé học tốt hơn vì các yếu tố như các bé có khiếu về ngôn ngữ, ‘trình tự tự nhiên’ của bé này khác với các bé còn lại nên bé học ngữ pháp này nhanh hơn, …”

Sau khi có kiến thức, mình sẽ cảm thông được với phụ huynh cũng như các bé, và từ đó sẽ kiểm soát được cơn giận cũng như buồn phiền của mình.

Xem thêm >> Những Nguyên Tắc Để Viết Bảng Hiệu Quả

Cũng như ngay từ đầu bài viết, thầy đã thông cảm với cảm xúc của bạn vậy.

Hy vọng câu trả lời trên phần nào giải quyết được khó khăn của bạn.

Chúc bạn có những kỷ niệm thật đẹp với với nghề giáo.

Người chia sẻ: Thạc sĩ Lương Anh Vũ – IELTS 8.0

Thông tin tác giả

Admin - TESOL Simple Education

Xem thêm bài viết